Trực tiếp: Tháo gỡ khó khăn cho ngành Du lịch

Dịch Covid-19 tái bùng phát trở lại tại Đà Nẵng và một số địa phương đã tác động nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe của người dân và ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh tế, trong đó du lịch được xem là thiệt hại nặng nhất. Trong bối cảnh các doanh nghiệp (DN) du lịch chưa kịp hồi phục sau 3 tháng đóng băng vì Covid-19, nay lại tiếp tục bị tác động của dịch bệnh, khiến các DN lâm vào tình cảnh “khó chồng lên khó”.
 
Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Trùng Khánh phát biểu khai mạc hội nghị

Căn cứ chỉ đạo của Chính phủ, với tinh thần thực hiện nhiệm vụ vừa phòng, chống dịch bệnh quyết liệt, vừa hạn chế thấp nhất các tác động bất lợi đến đời sống người dân và các hoạt động kinh tế - xã hội; trước tình hình hiện nay, Tổng cục Du lịch (TCDL) tổ chức Hội nghị trực tuyến “Tháo gỡ khó khăn cho ngành Du lịch” để gỡ khó cho các DN du lịch, tránh đứt đoạn, ảnh hướng đến chuỗi liên kết, tạo điều kiện cho việc hồi phục nhanh các hoạt động của ngành Du lịch trong thời gian tới.
 
Chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội (80 Quán Sứ, Hà Nội) gồm Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Trùng Khánh, các Phó TCT Ngô Hoài Chung, Hà Văn Siêu, Nguyễn Thị Thanh Hương.Cùng dự có Vụ trưởng Vụ Lữ hành Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Khách sạn Vũ Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) Vũ Thế Bình, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường, đại diện lãnh đạo Vingroup, Sun Group, Tổng Công ty DL Hà Nội, Flamingo, Mường Thanh, đại diện lãnh đạo các hãng Hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways và một số DN lữ hành, vận chuyển, dịch vụ…
Về phía các Sở quản lý Du lịch có Sở DL Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Ninh Bình, Bình Định…; các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Lào Cai, Thanh Hóa, Quảng Nam, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Vĩnh Long...
 
Tại điểm cầu TP.HCM, đại diện cho các DN lữ hành có bà Nguyễn Thị Khánh - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch TP.HCM; về phía các DN có ông Võ Anh Tài - Phó TGĐ Tổng Công ty DL Sài Gòn, ông Trần Đoàn Thế Duy - Tổng Giám đốc Vietravel, ông Lại Duy Minh - Tổng Giám đốc TST Tourist.
Tại điểm cầu Đà Nẵng, ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch HHDL Đà Nẵng (Chủ tịch Công ty CP TravelMart) đại diện cho các DN lữ hành Đà Nẵng…
 
Toàn cảnh hội nghị tại đầu cầu Hà Nội

Chánh Văn phòng TCDL Vũ Quốc Trí phát biểu đề dẫn Hội nghị.
 
Thực hiện Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Bộ VHTTDL, nhằm tăng cường kết nối giữa cơ quan QLNN và DN, TCDL tổ chức Hội nghị hình thức trực truyến với sự tham gia của nhiều địa bàn là trọng điểm du lịch trên cả nước.
 
Thực hiện nghiêm yêu cầu chống dịch của UBND TP. Hà Nội, TCDL bố trí 2 địa điểm gồm phòng họp B tầng 2 và hội trường tầng 4 đảm bảo giãn cách.
14h10:
Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Trùng Khánh phát biểu khai mạc Hội nghị.
 
Thay mặt TCDL, Bộ VHTTDL, Tổng cục trưởng gửi lời cảm ơn đến các đại biểu tham dự Hội nghị, đại diện lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, lãnh đạo các Sở quản lý du lịch các địa phương, lãnh đạo của các hãng Hàng không, Hiệp hội Du lịch, các hãng lữ hành, vận chuyển, khách sạn, cơ sở dịch vụ du lịch - là lực lượng nòng cốt trong ngành Du lịch tới dự Hội nghị trực tuyến “Tháo gỡ khó khăn cho ngành Du lịch” lần đầu tiên được TCDL tổ chức.
 
Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh, du lịch bắt đầu có tín hiệu khá lạc quan sau 3 tháng “đóng băng” vì dịch bệnh Covid-19 thì đợt dịch lần 2 bùng phát trong cộng đồng từ ngày 25/7, tâm lý e ngại đã khiến rất nhiều khách du lịch đã hủy tour không chỉ đến khu vực có dịch mà ngay cả khu vực chưa có dịch. Nhiều điểm tham quan, khu du lịch, tạm dừng các dịch vụ vui chơi giải trí… nhằm đảm bảo an toàn cho du khách, người dân. Một số địa phương chỉ đạo doanh nghiệp du lịch không tổ chức tour, không đón người đến, đi từ vùng có người mắc bệnh, yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động không đi đến vùng dịch, không đi du lịch ngoại tỉnh… DN du lịch đã khó khăn, nay càng thêm khó khăn.
 
“Trong bối cảnh hiện nay, các DN du lịch có thể nói là chịu ảnh hưởng kép khi dịch bệnh Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trong cả nước. Các hãng hàng không, các DN khách sạn, các nhà đầu tư dịch vụ du lịch vừa trải qua giai đoạn khó khăn, có cơ hội khôi phục một phần dịch vụ lại tiếp tục đối mặt với thách thức lớn. Các DN lữ hành cũng là đối tượng chịu thiệt hại nặng nề do thực trạng hủy tour một loạt của khách du lịch. Theo phản ánh, DN đang đứng trước khó khăn khi chính sách của các hãng hàng không là chỉ cho lùi tiền cọc vé mà không hoàn trả, do đó DN lữ hành đang chịu sức ép vì khoản tiền cọc vé không nhỏ, nhất là khi các DN vừa gánh chịu tổn thất quá lớn của đợt đầu dịch Covid-19, trong khi đó khách du lịch hoãn huỷ tour thì đòi hoàn tiền. Hàng không cho hoãn huỷ thời gian tối đa 180 ngày nhưng tâm lý phổ biến của khách du lịch là e ngại, không còn nhu cầu đi du lịch”, Tổng cục trưởng cho biết.
 
DN du lịch là lực lượng nòng cốt của ngành Du lịch. Các DN lữ hành, lưu trú, vận chuyển và cung ứng dịch vụ có mối quan hệ tương hỗ chặt chẽ, cùng tạo nên sức mạnh, đóng góp vào kết quả, thành công chung của ngành Du lịch. Nếu bị yếu hoặc đứt gãy bất kỳ một mắt xích nào trong chuỗi liên kết này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động chung của cả ngành Du lịch. Vì vậy, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các DN du lịch, vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay và nhất là tránh đứt đoạn, ảnh hưởng đến chuỗi liên kết, tạo điều kiện cho việc hồi phục nhanh các hoạt động của ngành Du lịch trong thời gian tới, Tổng cục trưởng đề nghị tập trung vào 02 vấn đề: (1) Bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn trước mắt cho các doanh nghiệp trong việc hoãn, đổi, hoàn, hủy vé máy bay và các dịch vụ du lịch liên quan khác trên tinh thần hợp tác, cùng chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp và khách du lịch; (2) Thảo luận một số phương án ứng phó, khôi phục ngành Du lịch trong thời gian tới.
 
Vụ trưởng Vụ Lữ hành TCDL Nguyễn Quý Phương phát biểu
 
Vụ trưởng Vụ Lữ hành Nguyễn Quý Phương báo cáo sơ bộ về tình hình hoạt động lữ hành thời gian qua, theo ông Phương, hết tháng 8/2020 tỷ lệ hủy phòng khoảng 98% - 100% ở hầu hết các địa phương; Hà Nội hủy 32.000 tour, TP.HCM hủy 35.000 tour, các DN lớn nhiều đoàn khách đông cũng hủy, gây ra thiệt hại lớn với DN. Để đảm bảo an toàn cho du khách, đề nghị phối hợp giữa các địa phương cùng đồng hành, chia sẻ những khó khăn; kêu gọi các hãng hàng không ngồi lại với các hãng lữ hành để chia sẻ, giảm thiệt hại tối đa, chuyển đổi thời điểm để vào những vùng an toàn. Thời gian tới, đề nghị thường xuyên nắm bắt tình hình dịch, thực hiện mục tiêu kép; tập trung xây dựng sản phẩm mới phù hợp diễn biến dịch bệnh, như sức khỏe, xúc tiến quảng bá du lịch an toàn, giúp các DN duy trì hoạt động; đề nghị TCDL tham mưu Bộ VHTTDL các biện pháp hỗ trợ đang triển khai thì tiếp tục giảm VAT, giảm tiền điện khách sạn, tiền thuế đất DN lưu trú, hàng không và có giải pháp cho chuỗi cung ứng chung. Đồng thời, các địa phương cùng phối hợp để các gói hỗ trợ cho người lao động trong ngành để được hưởng gói hỗ trợ của CP.
 
Ông Võ Anh Tài - Phó Tổng Giám đốc Saigontouris phát biểu
 
Từ điểm cầu TP.HCM, ông Võ Anh Tài - Phó Tổng Giám đốc Saigontouris đề nghị TCDL nghiên cứu xây dựng định khung pháp lý để trong những trường hợp dịch bệnh có thể đảm bảo an toàn cho khách hàng, đồng thời tránh áp lực nặng nề cho DN. Hiện nay, các DN đều thiệt hại, các địa phương đã có công văn để phối hợp hỗ trợ, tuy nhiên tình hình vẫn rất nan giải.
“Hàng không cũng cần có chính sách linh hoạt hơn trong các trường hợp bất khả kháng, không nên áp dụng cứng nhắc các quy định gây khó cho DN lữ hành”, ông Tài nêu ý kiến.
 
Theo ông Tài, thời điểm này cần tập trung các nhóm giải pháp: thứ nhất là giải pháp tài chính đã được Bộ VHTTDL đưa ra và triển khai thời gian quan, cần tiếp tục làm mạnh hơn trong lúc này vì thực sự rất cần thiết đối với các DN.
“Hiện nay DN không có nguồn thu nhưng chi phí cho người lao động vẫn phải đảm bảo. Nếu có sự hỗ trợ thì các hoạt động du lịch sẽ có sức mạnh để khởi động lại nhanh nhất có thể, đảm bảo phòng chống dịch bệnh và tận dụng tối đa các cơ hội khi có đủ điều kiện”, ông Tài đề xuất.


Bà Huỳnh Phan Phương Hòa, Phó TGĐ Vietravel đề xuất tại hội nghị
 
Bà Huỳnh Phan Phương Hòa, Phó TGĐ Vietravel đề xuất: điều mà doanh nghiệp du lịch cần nhất lúc này là được hỗ trợ vốn để tồn tại bởi vì DN tiếp cận được các nguồn vốn vay rất khó khăn và giảm lãi suất vay, giảm thuế cho các doanh nghiệp. Hiện nay, công ty đang gặp rất nhiều khó khăn do lượng khách hủy tour rất lớn, 60 – 80% nhân sự của công ty hiện đang nghỉ không lương.
 
Ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng - Chủ tịch Công ty CP Vietnam Travelmart chia sẻ tại hội nghị

Từ điểm cầu Đà Nẵng, ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng - Chủ tịch Công ty CP Vietnam Travelmart cho biết: Sau khi dịch bùng phát trở lại ở Đà Nẵng, từ 0h ngày 28/7, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đã phối hợp với doanh nghiệp lữ hành, hàng không các bên liên quan giải cứu hàng nghìn khách rời khỏi Đà Nẵng mỗi ngày. Hiện tại vẫn còn kẹt lại khoảnh 2.000 khách tại Đà Nẵng, Du lịch Đà Nẵng tiếp tục phối hợp với các hãng hàng không để vận chuyển khách về. Lượng khách hoãn, huỷ tour là rất lớn. Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng sẵn sàng chung tay góp sức với các doanh nghiệp lữ hành để dàn xếp hoàn, huỷ… cho các đoàn khách. Về đề xuất, đối với Chính phủ: giảm thuế VAT cho các doanh nghiệp du lịch đến năm 2021; chính sách giảm các chi phí lớn của doanh nghiệp như điện, nước, viễn thông… kéo dài đến hết năm 2020; tiếp tục có chính sách giảm lãi suất cho vay (hiện tại giảm 1-2% không đáng kể), hoãn nợ… cho doanh nghiệp du lịch; thay đổi các nhóm chi phí để hưởng các gói cứu trợ của Chính phủ cho doanh nghiệp và người lao động trong ngành Du lịch, vì hiện nay dù doanh nghiệp đã làm hồ sơ rất nhiều nhưng chưa được hỗ trợ nào từ các gói cứu trợ của Chính phủ. Đề xuất với Tổng cục Du lịch cần nghiên cứu cơ chế về giảm khoản tiền ký quỹ cho doanh nghiệp lữ hành để duy trì trả lương trả nợ...
 
Theo bà Lê Thúy Hà - Flamingo: Lợi thế của Flamingo là khai thác các dự án trong vùng an toàn Vĩnh Phúc, Hải Phòng; ra chính sách nhanh, kịp thời ổn định tâm lý khách; có những khu biệt lập để khách sử dụng dịch vụ vui chơi nghỉ dưỡng, mô hình resort phù hợp gia đình, đơn vị có sự kiện nhỏ. Đây là thế mạnh của tập đoàn. Ngoài ra, Flamingo luôn dồng hành cùng DN lữ hành, hoàn phí cho khách, hoàn tới 1 năm, bảo lưu, giá trị không thay đổi; ưu tiên hàng đầu là đảm bảo nhân lực ngành một cách tối đa, không có cách nào khác là duy trì phục vụ khách. Bà cũng đề nghị, cần làm thế nào để được hỗ trợ vượt qua khó khăn về du lịch nói chung, khách sạn nói riêng, mong giảm tiền điền cho ngành khách sạn và tiền thuê đất, đây là 2 khoản nặng nhất khách sạn đang phải chịu. Đồng thời, duy trì cảnh quan môi trường để khi dịch lắng xuống có thể đón khách ngay và hồi phục các họat động du lịch.
 
Chia sẻ tại hội nghị, bà Nguyễn Hồng Nga - Vietnam Airlines cho biết: Vietnam Airlines luôn đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành để phát triển du lịch. Sau khi Covid-19 diễn ra lần thứ nhất được kiểm soát, Vietnam Airlines đã triển khai chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" do Bộ VHTTDL phát động, trong vòng 3 tháng mở 22 đường bay mới, tổ chức nhiều chươn trình kích cầu, kết quả đã có lượng khách nội địa tăng mạnh trong bối cảnh dịch bệnh trên thế giới đang diễn biến phức tạp.
 
Dịch bệnh Covid-19 xảy ra lần thứ 2, Vietnam Airlines đã có kinh nghiệm xử lý nên nhanh chóng có chính sách với đại lý, khách lẻ trong hệ thống, cho phép đổi vé, đổi hành trình tùy từng loại vé. Công ty cho phép cọc được bảo lưu đến 31/6/2021; với vé hoàn cũng đưa ra voucher để mua cho các đoàn khách mới,
 
Bà Nga mong muốn Vietnam Airlines sẽ cùng các DN du lịch trao đổi để tháo gỡ tìm phương án tốt nhất trong quá trình xử lý; đồng thời, đề nghị truyền thông để khách hàng yên tâm, không ồ ạt đi hoàn vé. Điều này tốt cho cả lữ hành và khách sạn. Nếu TCDL truyền thông mạnh sẽ tạo được sức mạnh, gây ảnh hưởng lớn.
 
Sau khi dịch bệnh Covid-19 lần hai được kiểm soát, Vietnam Airlines sẽ có kịch bản kích cầu lần 2, vì vậy cần định hướng của TCDL, Hiệp hội Du lịch Việt Nam để Vietnam Airlines xây dựng nhiều kịch bản kích cầu du lịch đến 2011.
Ông Lại Duy Minh, Tổng Giám đốc Công ty CP DVDL TST Tourist chia sẻ, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, không chỉ các doanh nghiệp du lịch, đơn vị lữ hành bị ảnh hưởng, sự sụt giảm nguồn du khách cũng khiến các dịch vụ đi kèm phục vụ ngành Du lịch như dịch vụ lưu trú, ăn uống, khu vui chơi, giải trí, mua sắm... gặp nhiều khó khăn. TST Tourist đề xuất được sự hỗ trợ giảm thuế; cần có gói hỗ trợ cho nguồn nhân lực hướng dẫn viên vì hiện nay 80 – 90% nguồn nhân lực này đang bị nghỉ làm bởi dịch bệnh để họ có thể tìm kiếm một công việc khác sau khi dịch bệnh được kiểm soát họ sẽ tiếp tục quay trở lại làm việc. Hơn nữa, các hãng lữ hành rất khó khăn trong việc hoàn trả lại chi phí cho khách hàng, do vậy mong muốn các hãng hàng không, các nhà cung cấp dịch vụ nên có gói dịch vụ giảm giá cụ thể để hỗ trợ khách hàng hủy tour để tạo sự khích lệ cho du khách tiếp tục đi du lịch sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
 
Ông Đinh Việt Phương, Phó Tổng giám đốc Vietjet Air cảm ơn TCDL tổ chức Hội nghị rất đúng thời điểm, kịp thời trước tình hình khó khăn của hoạt động du lịch nói chung, các hãng hàng không nói riêng.
 
Theo ông Phương, ảnh hưởng của dịch Covid-19 còn kéo dài, để khôi phục hoạt động, hàng không cần thời gian từ 3-5 năm. Ước tính, từ khi xảy ra dịch Covid-19 đến nay hàng không toàn cầu thiệt hại khoảng 800 tỷ USD. Dự báo, năm 2021 tiếp tục khó khăn.
 
Vietjet Air đã rất nhanh chóng sau khi giãn cách xã hội được tháo bỏ, hàng không nội địa của hãng đã vượt năm 2019 khoảng 30%. Có ngày gấp 1,5 lần so với thời điểm tết, cho thấy khối lượng nhu cầu nội địa lớn, bùng nổ khi dịch được khống chế. Với đà tăng trưởng đó, hãng hy vọng 6 tháng cuối năm 2020 sẽ bứt phá nhưng khi dịch Covid -19 bùng phát lần 2 thì ngay trong tuần đầu tiên Vietjet Air đã sụt giảm 70%.
 
“Với sự nỗ lực của Chính phủ, của toàn hệ thống chính trị, hy vọng dịch nhanh chóng được khống chế; đồng thời, để sẵn sàng khi các điều kiện được đáp ứng, Vietjet Air đã xây dựng kế hoạch theo hướng tăng dần đều trong thời gian tới", ông Phương cho biết.
 
Về việc hỗ trợ các hãng lữ hành hoàn, hủy chuyến, Vietjet Air đảm bảo quyền lợi cho các hãng lữ hành bảo lưu trong 180 ngày và nghiên cứu để thời gian dài hơn, tạo thuận lợi cho DN lữ hành hoạt động.
Ông Phương kiến nghị Chính phủ cần có gói hỗ trợ cho hàng không, lữ hành. “Trên thế giới tất cả quốc gia có quy mô du lịch, hàng không lớn thì gói hỗ trợ càng lớn, vì đây là lực lượng rất quan trọng để thúc đẩy hồi phục du lịch nhanh sau đại dịch", ông Phương nói.

Nguồn: Tạp Chí Du Lịch