Sau đà của dịp lễ Quốc khánh 2-9, nhiều doanh nghiệp và địa phương "rục rịch" kế hoạch quay lại thị trường du lịch. Đến nay, doanh nghiệp vẫn chờ kịch bản kích cầu mới thích ứng tình hình chống dịch, phát triển kinh doanh từ cơ quan quản lý.
Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết đang gấp rút lấy ý kiến doanh nghiệp (DN) về kịch bản kích cầu lần 2. Tuy nhiên, theo các DN, chương trình kích cầu du lịch lần 2 này phải hoàn toàn khác bởi tâm lý, hành vi người dân với du lịch hiện nay đã không còn hồ hởi. Trong khi mục tiêu của các DN cũng chỉ mong duy trì hoạt động, tạo tiền đề phục hồi cho năm sau.
Hồi phục theo cách chống dịch
Ngày cuối tuần ở một điểm đón khách tại trung tâm Q.1, TP.HCM của một khu nghỉ dưỡng ở Bà Rịa - Vũng Tàu, từng nhóm khách đang chờ xe khởi hành. Chiếc xe buýt 30 chỗ gần như kín chỗ ngồi, chủ yếu các gia đình đông trẻ con. Trong mùa dịch, các resort gần TP.HCM vẫn đón một lượng khách kha khá, thậm chí đạt công suất phòng hơn 80% trong đợt nghỉ 2-9 vừa qua.
Ông Nguyễn Châu Á, giám đốc Oxalis, nói du lịch nội địa đang phục hồi theo cách chống dịch. Những địa điểm gần TP, về với thiên nhiên, đi lại bằng ôtô đang được người dân lựa chọn, các tour đều không tập trung quá 20 người... để phòng chống dịch.
Du lịch nội địa đang hồi phục theo cách chống dịch
"DN phải tự thay đổi để thích ứng, tự cân đối các sản phẩm chứ không thể trông chờ vào tour khách đoàn, tour theo số đông như trước đây", ông Á nói, đồng thời nhìn nhận hoàn cảnh mới của ngành du lịch có thể là lợi thế với những DN chuyên tổ chức tour đặc thù, nhóm nhỏ, đề cao trải nghiệm cá nhân.
Theo các DN, chương trình kích cầu sau đợt dịch lần 2 sẽ khó tạo được hiệu ứng mạnh, bùng nổ như hồi tháng 7. Do đó, phải chọn cách tiếp cận khác, sống chung với "tình hình mới", xóa bỏ tâm lý e ngại lây lan dịch bệnh của khách du lịch và chuẩn bị cho mùa du lịch cuối năm.
Ông Phạm Hà, nhà sáng lập Luxury Travel, cho rằng kích cầu sau dịch lần 2 sẽ khó tạo được hiệu quả như hồi trước do lượng khách đi du lịch cuối năm ít hơn, học sinh phải đến lớp, chưa kể kinh tế ngấm đòn COVID-19...
Do vậy, ngành du lịch chỉ có thể khai thác những kỳ nghỉ gia đình vào cuối tuần, các kỳ nghỉ ngắn nhiều lần trong năm. Khách chọn phương tiện đi bằng đường bộ, những tour gần gũi thiên nhiên, về với biển đảo và du thuyền sẽ được yêu thích trong thời gian tới.
Những tour gần gũi với thiên nhiên, về với biển đảo sẽ được yêu thích
"Chúng tôi đã thiết kế những tour theo xu hướng này, dù muốn hay không cũng cần những chương trình kích cầu giá tốt nhưng không phải giảm quá sâu. Thay vào đó, DN phải đầu tư sản phẩm, nâng cấp, tập trung vào chiều sâu trải nghiệm hơn, an toàn cao hơn", ông Hà nói.
Nhiều DN cũng kỳ vọng việc cho mở lại một số đường bay quốc tế sẽ giúp tình hình du khách quốc tế sáng sủa hơn trong những tháng cuối năm nếu dịch được kiểm soát, bởi đây là thời điểm nhiều du khách quốc tế đi du lịch để tránh mùa đông.
Không phát triển du lịch đại trà
Ông Hoàng Nhân Chính, trưởng ban thư ký của Hội đồng Tư vấn du lịch, cho biết đến nay vẫn chưa có kịch bản hoàn thiện cho thị trường du lịch phục hồi thời gian tới. Tuy nhiên, chủ trương xuyên suốt trong kịch bản kích cầu mà nơi này thảo luận với Tổng cục Du lịch, đại diện hãng hàng không, hãng lữ hành lớn... là sẽ không làm đại trà mà kích cầu theo từng điểm đến, đề cao tiêu chí an toàn nhưng cần tiêu chí cụ thể để xác định một điểm đến an toàn.
Du lịch cần xác định những điểm đến an toàn
"Chúng tôi sẽ hợp tác với hãng hàng không tạo các luồng khách. Điều quan trọng không kém là thời điểm tung ra chương trình kích cầu. Tâm lý tiêu dùng giờ đã khác, không thể giữ cách làm vội vã mà phải chọn thời điểm phù hợp, lúc người dân cảm thấy thật an toàn tin tưởng.
Chúng tôi đang bàn phải làm nghiên cứu hành vi người tiêu dùng, thực sự thấu hiểu khách đang trông chờ gì mới kích cầu tốt được", ông Chính chia sẻ.
Cũng theo ông Chính, bên cạnh các sản phẩm mới, cũng đã có vài sáng kiến hướng thu hút du khách đến hiệu quả và an toàn như đề xuất gói bảo hiểm dành riêng cho du khách mùa dịch. Dịch còn lơ lửng, nếu DN trả lời được câu hỏi ai bảo vệ du khách, thị trường sẽ sớm được hồi phục.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, chủ tịch Vietravel, cũng cho rằng phải giải quyết được tâm lý của khách hàng và thị trường bằng chiến dịch du lịch an toàn, điểm đến an toàn. Các chính sách du lịch trong lúc này cần được ban hành kịp thời, mục tiêu rõ ràng để định hướng cho DN, định hình luồng khách.
Đảm bảo các lịch trình an toàn, phù hợp cho khách du lịch
Bài học của kích cầu đợt 1 cho thấy các gói kích cầu gần như bị đóng băng ngay tức thì khi dịch quay trở lại, số lượng khách hủy tour tăng đột ngột. Do đó, DN lữ hành không còn tha thiết với dạng tour số lượng lớn, ngay cả với thị trường khách khuyến thưởng (DN tổ chức tour để hội họp, thưởng cho nhân viên, đại lý, khách hàng...).
Theo ông Phước Đặng - CEO Outbox Consulting, với tình hình mới, nhiều khả năng các tour khuyến thưởng sẽ được các DN tổ chức theo hướng cắt giảm thời gian và lịch trình để bảo đảm an toàn, phù hợp với tình hình tài chính hiện tại.
"Những chuyến du lịch những tháng cuối năm 2020 nhiều khả năng chỉ sẽ dừng ở quy mô nhỏ, việc lựa chọn điểm đến cũng phân hóa hơn trong thời gian tới", ông Phước Đặng nhận định.