Khám phá những nét ẩm thực đặc trưng của vùng Nam Bộ

Không cầu kì như ẩm thực Cung Đình, ẩm thực của miền Nam mang theo nét giản dị, chân chất mà cũng vô cùng dân dã như chính con người của nơi đây vậy. Các món ăn miền Nam chịu nhiều ảnh hưởng từ ẩm thực của Trung Quốc, Thái Lan,.. Bởi vậy các món ăn thường mang theo một vị ngọt rất đặc trưng và vị béo của nước cốt dừa.

1. Sự phong phú trong nét ẩm thực của người Nam Bộ.

Địa lý, khí hậu, dân số, sự đa dạng sắc tộc,… Tất cả những yếu tố này đều ảnh hưởng đến ẩm thực của một vùng đất, Nam Bộ cũng giống như vậy. Du khách có thể nhìn thấy những hàng dừa trĩu quả mọc đầy hai bên sông hay những vườn cây trĩu quả thơm mọng trong ánh nắng, những con kênh, con sông đỏ quạch phù sa tạo nên cả một vùng đất trù phú.
 
Ẩm thực miền Nam rất da dạng

Tất cả những điều ấy làm nên một nền ẩm thực độc đáo, bình dị rất riêng cho những món ăn ở nơi đây như gỏi cuốn, bún mắm, hủ tiếu Nam Vang, bánh ít, bánh bò, chè chuối,… đều là những món vô cùng nổi tiếng của miền Nam.
Bên cạnh đó, các món gỏi và món trộn cũng đặc biệt được ưa thích ở miền Nam. Đây là những món ăn dùng nguyên liệu sống hoặc chỉ luộc chín rồi trộn chung với gia vị sao có vị chua chua ngọt ngọt là được. Các món gỏi của miền Nam rất phong phú, thường là trộn với tôm, thịt, tai heo như món gỏi ngó sen.
 
Các món nộm của miền Nam rất đa dạng

Một nét đặc biệt nữa trong các món ăn của người dân Nam Bộ là tiêu. Tiêu đã trở thành loại gia vị không thể thiếu trong chế biến món ăn của người dân miền Nam, bằng chứng là trong hầu hết các món ăn từ kho đến nấu canh, người Nam đều nêm tiêu, tiêu không chỉ cay mà còn ngọt, nó làm cho món ăn thêm đậm đà và ngon ngọt hơn. Điều đó trở thành thói quen trong văn hóa ẩm thực của người dân miền Nam.

2. Thức ăn theo mùa
Mùa nào thức nấy là đặc trưng của nền ẩm thực nói chung và của Nam Bộ nói riêng. Mùa nước nổi và mùa gặt là 2 mùa mang đến nhiều sản vật nhất. Với mùa nước nổi, du khách có thể dễ dàng tìm thấy trong bữa ăn của người Nam Bộ xuất hiện cá linh, bông điên điển, bông súng,… hoặc thời điểm gặt là lúc lí tưởng để thưởng thức các món cá lóc, cá rô đồng, cua đồng, rau đắng ngon nhất.
 
Bông súng

3. Phóng khoáng giản dị trong cách thưởng thức món ăn

 Về nơi ăn, người dân miền Nam rất dễ chịu, với những bữa cơm hàng ngày trong gia đình thì tùy điều kiện trong nhà rộng hay hẹp mà được bố trí nơi ăn sao cho hợp lí, có thể trên bàn thậm chí ngay trên sàn nhà. Tuy nhiên, khi có đám tiệc người miền Nam thường rất coi trọng lễ nghi, vì vậy sẽ bày biện ở những nơi trang trọng, ấm cúng thể hiện sự hiếu khách của gia chủ. Đặc biệt, người dân Nam Bộ rất thích được ăn ngay nơi vừa chế biến, ví dụ như món cá lóc nướng trui, vừa nướng vừa ăn ngay bên cạnh để có thể thưởng thức hết cái vị tinh tế và tươi ngon của con cá vừa mới bắt lên.
 
Món cá lóc nướng lá chuối được đặt vô cùng đơn giản

4. Một số món ăn nổi tiếng của vùng Nam Bộ

Bún bò Nam Bộ.

Bún bò Nam Bộ còn có tên gọi quen thuộc khác là bún bò xào. Đặc trưng của món ăn này là không dùng nước lèo. Các nguyên liệu tạo nên hương vị của món ăn gồm có thăn bò xào mềm, mắm nêm đậm vị, các loại rau thơm như húng, xà lách, kinh giới... Ngoài ra còn có topping hành khô và lạc rang. Món ăn này phổ biến ở nhiều địa phương từ Bắc vào Nam.
 
Bún Bò Nam Bộ

Cũng giống như nhiều món trộn khác trong ẩm thực Việt Nam, nguyên liệu quan trọng nhất tạo nên linh hồn bún bò Nam Bộ là nước được chan vào tô bún. Thành phần làm món nước chấm nhìn qua không mấy đặc biệt: Nước mắm pha chanh, đường, giấm nhưng mỗi quán ăn lại có một công thức pha chế riêng. Đây cũng là bí quyết mà họ giữ cho riêng mình, làm nên sự hấp dẫn đối với thực khách đến quán.

Lẩu mắm miền Tây

Đến Nam Bộ không thể không thưởng thức lẩu mắm, bạn sẽ từ từ cảm nhận vị đậm đà của mắm cá và các loại rau đặc trưng chỉ có riêng ở vùng sông nước này. Nước dùng lẩu mắm được chế biến từ mắm các loại cá chỉ có ở mùi nước nổi miền Tây Nam Bộ. Nguyên liệu chính cho Lẩu Mắm bao gồm lươn, thịt bò, tôm, mực và một số loại cá và rau củ khác. Món ăn này đặc biệt được ưa chuộng vì đặc biệt có rất nhiều biến thể của nó được tạo ra với nhiều hương vị khác nhau. Với nhiều cách thưởng thức khác nhau như vậy thì thật khó để xác định hương vị chính xác của Lẩu Mắm là gì.
 
Lẩu mắm miền tây với bông điên điển

Tuy vậy, nhìn chung Lẩu Mắm là một sự kết hợp độc đáo các loại thịt, rau và gia vị trong một nồi lẩu nóng hổi thơm ngon tuyệt vời. Hương vị chủ yếu của món lẩu được tạo ra từ nước mắm cá sặc, một loại cá có thịt thơm ngon và béo ngậy, cùng với vị cay nồng của ớt đỏ và vị ngọt từ các nguyên liệu khác. Chế biến Lẩu Mắm cần có những nguyên liệu tươi ngon như cá kèo, thịt heo, tôm bóc vỏ, lươn, thịt bò, v.v. ăn kèm với ít nhất 10 loại rau củ khác nhau, có khi lên đến 24 loại, bao gồm hoa súng, cà tím, rau kim châm, nấm rơm, giá đỗ và ớt các loại. 

Vịt nấu chao

Vịt nấu chao là một món ngon đặc trưng Nam Bộ mà thực khách nào cũng muốn thưởng thức khi xuôi về miền Tây sông nước. Sự kết hợp giữa thịt vịt ngọt mềm, hòa chung vào đó là vị thơm nồng đặc trưng của chao khiến cho món ăn càng thêm phần hấp dẫn thành phần chính của món ăn này được thể hiện ngay ở tên gọi của nó. Vịt nấu chao thường được ăn kèm với bún và các loại rau như rau muống, rau mồng tơi. Nước chấm sẽ là chao kèm với vài lát ớt tươi. Vị bùi của khoai môn, chất ngọt từ thịt vịt và mùi thơm của chao sẽ khiến du khách cảm thấy hài lòng về món ăn này.
 
Vịt nấu chao

Bánh Bò

Bánh Bò là một trong những món bánh hấp dẫn của miền Nam. Bánh xốp làm từ: bột gạo, nước, đường và men. Mặt bánh có rất nhiều bong bóng nhỏ do có nhiều lỗ khí trong bánh. Sở dĩ, nó có tên bánh bò là bởi vì bánh mềm xốp và có hình dạng như nhũ con bò. Hoặc có cách lý giải khác về tên gọi này là trong quá trình ủ men, bột sẽ dậy và bò lên vành tô. Bánh xốp, có nhiều lỗ khí, mềm, thơm mùi dừa.
 
Bánh bò với mùi thơm của sữa dừa

Cháo cá rau đắng

Món ăn dân dã, đặc trưng của vùng sông nước miền Tây. Nguyên liệu nấu món này gồm cá lóc đồng và rau đắng. Cá lóc đồng sau khi làm sạch, đem luộc chín, lột da và lấy hết xương, thịt cá trắng tinh được xếp gọn gàng trên đĩa. Thành phần làm nên gia vị cho món ăn là rau đắng. Người dân miệt vườn khi ăn món này chỉ cần đi một vòng trong vườn nhà là có đủ một rổ rau đắng tươi thơm ngon
 
Cháo cá rau đắng - món ngon đặc trưng của vùng Nam Bộ

Cơm Tấm Sài Gòn

Cơm tấm là một món ăn vô cùng quen thuộc với người Sài Gòn. Mỗi buổi sáng, chỉ cần bước vào bất cứ con hẻm nào cũng có thể dễ dàng tìm thấy những hàng quán bán cơm tấm. Tấm là hạt gạo bị gãy trong quá trình sát vỏ và chà cám, vốn là một loại gạo ít người ăn, trước kia chỉ dành cho tầng lớp ‘bình dân’. Ấy vậy mà đến ngày nay nó đã trở thành một món ăn đặc trưng không thể thiếu của người Sài Gòn. Cơm khi nấu thường được hấp với lá dứa nên có một mùi thơm ngào ngạt, chan kèm với mỡ hành phi tạo nên vị béo ngậy. Người Sài Gòn thường ăn cơm Tấm với sườn nướng, sườn bì chả và nước mắm ngon ăn kèm với các loại rau trộn.
 
Cơm tấm Sài Gòn

Người Sài Gòn phóng khoáng nên khi ăn cũng không quá cầu kì, dĩa cơm tấm là một minh chứng. Cả cơm, sườn chả, mỡ hành, đồ chua….các thứ cho hết lên một dĩa và chan nước mắm vào mà ăn, gọn gàng hết sức. Nếu một lần đến Sài Gòn hãy tận hưởng một buổi sáng thú vị của bạn ở đầu con hẻm nhỏ với dĩa cơm tấm và ly cà phê sữa đá, cuộc đời thật là "sang" rồi đấy

Các bài viết liên quan