Khách du lịch tăng đột biến: Đảm bảo mục tiêu kích cầu, không để “vỡ trận”

Thời điểm giữa tháng 7, khi nhu cầu du lịch nội địa đang tăng mạnh thì tại nhiều địa điểm du lịch đã xuất hiện nguy cơ quá tải tạo nên sức ép quá lớn lên hạ tầng du lịch. Thậm chí, nếu không có sự chuẩn bị du lịch hè 2020 có thể vỡ trận. Trước tình hình này, ngày 20.7, Tổng cục Du lịch đã phải ra văn bản nóng chỉ đạo, chấn chỉnh vấn đề du lịch.
 
Bãi biển Cửa Lò (Nghệ An) quá tải khách du lịch. Ảnh: Quang Đại

Du lịch: Quá tải và quá oải!
“Đông kinh khủng”. Đó là nhận xét chung của hầu hết các du khách mới trở về sau đợt nghỉ cuối tuần qua. Tại khu vực miền Trung, các bãi tắm nổi tiếng như: Sầm Sơn (Thanh Hoá), Cửa Lò (Nghệ An) đông chặt du khách tạo ra một “biển người”.

Chị Lê Hà ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ: “Chúng tôi lên kế hoạch đi Phú Quốc từ lâu, những tưởng sau giãn cách thì du lịch thoải mái. Không ngờ, vé máy bay đặt xong thì không đặt nổi phòng, hỏi tất cả các khách sạn đều có câu trả lời là “hết phòng”, ngay cả những khách sạn 5 sao. May mắn chúng tôi mới thuê được một khách sạn ở Dương Đông nhưng thực sự chuyến đi khiến tôi mệt mỏi, chỉ vài ngày đi du lịch, tôi hụt vài cân”. Sự quá tải, qua lời chị Hà xuất phát từ sân bay Nội Bài, khách đi du lịch nội địa mùa này đông kín cả ga quốc nội, các hãng hàng không cố gắng tăng chuyến nhưng không đáp ứng hết yêu cầu. Đến Phú Quốc thì chỉ thấy người là người. Tại khách sạn, du khách chen nhau ăn sáng tạo ra khung cảnh khá hỗn loạn. Còn tại chợ đêm Dương Đông “1 mét vuông có đến cả chục người chen chân”- chị Hà mô tả những “ấn tượng” từ chuyến đi Phú Quốc cuối tuần qua.

Tại Hạ Long, tình hình cũng không khả quan hơn, theo Ban quản lý vịnh Hạ Long, tổng lượng khách tham quan vịnh Hạ Long ngày 18.7 đạt khoảng 26.700 khách; chưa tính khách được miễn vé là trẻ em và người già. Trong đó, lượng khách lưu trú qua đêm trên vịnh là khoảng 2.900 khách - tăng gấp đôi so với trước thời điểm được giảm 50% phí tham quan đối với khách lưu trú.

Điển hình, ngày 19.7, vịnh Hạ Long đón trên 25.300 khách, trong đó có 1.788 khách lưu trú qua đêm trên vịnh Hạ Long. Trong khi đó, các điểm du lịch như: Yên Tử, đền Cửa Ông mỗi ngày đón từ 500 - 900 khách. 

Bảo tàng Quảng Ninh đã trở thành một địa chỉ quen thuộc của du khách thập phương, với từ 3.000 - 4.000 khách ghé thăm mỗi ngày.  Đảo du lịch Quan Lạn, huyện Vân Đồn mỗi ngày cuối tuần đón khoảng 3.200 khách. Trong khi đó, lượng khách đi đảo Cô Tô mỗi ngày khoảng 4.000 - 4.500 khách. 

Theo Sở Du lịch Quảng Ninh, tổng lượng khách đến Quảng Ninh vào dịp cuối tuần có ngày đạt khoảng 100.000 lượt khách, trong đó lượng khách đăng ký lưu trú đạt khoảng 15.000 người/ngày. 

Tại hai điểm du lịch nổi tiếng miền Trung, khách tăng đột biến, bà Nguyễn Thị Anh Thư - Giám đốc điều hành khách sạn Parze Ocean Hotel and Spa (Sơn Trà, Đà Nẵng) cho biết, hầu hết nguồn khách đến từ các công ty du lịch, khách đoàn chiếm 50% và chủ yếu là đối tượng khách từ 30 - 45 tuổi. 

Ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng - cho biết, hiệu ứng của chương trình kích cầu du lịch của Đà Nẵng khá tốt, lượng khách đặt phòng trong tháng 6 và tháng 7 tăng đột biến. Nhu cầu đi du lịch từ 2 đầu đất nước cho 2 gói kích cầu 3 ngày 2 đêm rất cao. Ở thời điểm hiện tại, lượng vé của chặng Hà Nội - Đà Nẵng của Vietnam Travelmart khai thác đã được bán hết. Nhìn chung, thị trường khách du lịch Đà Nẵng đang ấm dần lên, 60% trong tổng số hơn 1.000 đơn vị, công ty du lịch trên địa bàn thành phố đi vào hoạt động ổn định trở lại.

Hiện trung bình mỗi ngày riêng sân bay Đà Nẵng có gần 100 chuyến bay (thời điểm này năm 2019 là hơn 70 chuyến bay/ngày). 

Tại Khánh Hòa, qua hơn 1 tháng triển khai Chương trình kích cầu “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, “Việt Nam an toàn”, “Nha Trang biển gọi” cùng các chương trình xúc tiến quảng bá, kết nối doanh nghiệp… tăng trưởng khách du lịch khá tốt. Đến cuối năm 2020 mà trọng tâm là tháng 7 và 8, ngành Du lịch tiếp tục tập trung triển khai hiệu quả các nội dung chương trình kích cầu du lịch nội địa, trong đó sẽ đưa ra gói kích cầu đặc sắc với chủ đề “Fly now, Shop now, Nha Trang now”.

Ông Trần Đăng Quang - Giám đốc kinh doanh Suối khoáng nóng I-resort Nha Trang - cho biết, với việc triển khai các gói kích cầu nội địa thì lượng khách đã được hơn 85% so với cùng kỳ 2019, hiện mỗi ngày đón trên 1.000 lượt khách.

Tổng cục Du lịch ra văn bản chấn chỉnh

Ngày 20.7.2020, Tổng cục Du lịch đã ban hành công văn số 898/TCDL-LH gửi Sở quản lý du lịch các tỉnh, thành phố về việc yêu cầu việc tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh hoạt động du lịch, đảm bảo chất lượng dịch vụ tại các địa phương.

Văn bản của Tổng cục Du lịch nêu rõ: Bên cạnh những kết quả bước đầu đạt được, đã xuất hiện tình trạng chất lượng sản phẩm không đảm bảo, không đúng như cam kết với khách hàng, chưa đảm bảo chất lượng dịch vụ cơ sở lưu trú du lịch như hạng sao được công nhận; thu hút khách bằng việc giảm giá nhưng cắt bớt dịch vụ, làm giảm giá trị chương trình du lịch và ảnh hưởng đến tâm lý, niềm tin của du khách. 

Nhằm đảm bảo quyền lợi cho khách du lịch, tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình kích cầu du lịch nội địa, Tổng cục Du lịch đề nghị Sở quản lý du lịch các địa phương rà soát các hoạt động cung ứng dịch vụ du lịch, lữ hành, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức kinh doanh du lịch trái phép, không đúng chức năng, cung cấp các dịch vụ kém chất lượng cho khách du lịch. Đồng thời chỉ đạo các khu, điểm du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch, đơn vị vận chuyển khách du lịch, nhà hàng phục vụ khách du lịch và cơ sở vui chơi giải trí, dịch vụ du lịch trên địa bàn thực hiện tốt những nội dung sau:

Một là, tăng cường kiểm soát chất lượng dịch vụ; tiến hành rà soát, kiểm tra toàn bộ cơ sở vật chất; kịp thời thay thế, sửa chữa trang thiết bị hỏng hóc, thay mới các vật dụng đã cũ, không đảm bảo chất lượng. 

Hai là, bổ sung nguồn nhân lực, đảm bảo đủ số lượng và chất lượng ở tất cả các bộ phận, các khâu phục vụ nhằm đáp ứng quy trình chuẩn trong phục vụ khách. Ba là, tăng cường việc đảm bảo an ninh, an toàn phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm tại các khu, điểm du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng ăn uống tại địa phương.  Bốn là, đề nghị các địa phương, khu, điểm du lịch đảm bảo thông suốt đường dây nóng, kịp thời cung cấp thông tin, trả lời và giải quyết khiếu nại của khách du lịch trên địa bàn.

Từ nay tới tháng 8, nhu cầu du lịch tiếp tục tăng cao, nếu các địa phương không có biện pháp để ngăn chặn nguy cơ “vỡ trận” du lịch thì mục tiêu kích cầu có thể mang lại được con số ấn tượng nhưng chất lượng du lịch không tốt sẽ ảnh hưởng tới chương trình nâng xao du lịch nội địa trong tương lai. 

Nguồn: báo Lao Động