Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững

Vừa gượng dậy sau gần 100 ngày ngành du lịch Việt Nam "hồi sinh" nhờ chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" thì đợt dịch thứ hai quay lại làm cho ngành kinh tế không khói trở nên kiệt quệ.
Không chịu đầu hàng, những người làm du lịch ngoài tự thân nỗ lực đang mong nhận được sự thấu hiểu và sẻ chia từ cơ quan làm chính sách, các đối tác và cả cộng đồng những người yêu thích dịch chuyển.

Thông tin từ Tổng cục Du lịch cho biết, hết tháng 8 tỷ lệ hủy phòng các khách sạn vào khoảng 98%-100% ở hầu hết các địa phương; Hà Nội hủy 32.000 tour, TP Hồ Chí Minh hủy 35.000 tour, các doanh nghiệp lớn nhiều đoàn khách đông cũng hủy, gây ra thiệt hại lớn. Theo ông Võ Anh Tài, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Saigontourist: “Khó khăn không phải bây giờ các doanh nghiệp du lịch mới gặp, mà ngay từ đợt dịch trước nhiều doanh nghiệp đã phải 'ngoi ngóp' sống. Đây không phải lần đầu, cũng có thể không phải lần cuối ngành du lịch phải 'chiến đấu' với những khó khăn như vậy”.
 
Du lịch Việt Nam đang lâm vào khó khắn do ảnh hưởng của dịch Covid - 19

Bàn về giải pháp khắc phục, ông Võ Anh Tài cho rằng: “Đây là trường hợp bất khả kháng, phải xử lý trong tình huống đặc biệt, do đó cần khung pháp lý hoàn chỉnh để đơn vị lữ hành xử lý tình huống với khách, với các đối tác, sao cho có tình có lý”. Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Phùng Quang Thắng thì nhận định: Thời điểm này, hoạt động du lịch chưa dừng hẳn, vì thế, các đơn vị cần có sự đánh giá, phân tích thị trường, hướng khách đến những vùng, điểm du lịch chưa có dịch. Lúc này, các đơn vị không đón những đoàn có đông du khách, mà cần xây dựng những sản phẩm dành cho những nhóm khách nhỏ như gia đình, bạn bè.

Cho rằng vấn đề hiện nay là phải giữ cho đội ngũ những người làm du lịch còn "sống" được cho đến khi hết dịch, ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam đề xuất: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần rà soát khó khăn, kiến nghị với Chính phủ cho phép các đơn vị tiếp cận được những nguồn vốn vay với lãi suất thấp để hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn này. Đồng thời, các đơn vị hoạt động du lịch cần có cam kết rõ ràng thời gian hoàn, hoãn các tour du lịch chưa thực hiện được với du khách trong giai đoạn này.
 

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 các mục tiêu của ngành Du lịch trong năm 2020 khó hoàn thành, do đó để tháo gỡ khó khăn cho ngành và các doanh nghiệp du lịch, theo ông Nguyễn Văn Hùng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Trước mắt, Tổng cục Du lịch cần rà soát lại các khó khăn, bất cập mà các doanh nghiệp du lịch đang gặp hiện nay để báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, Thứ trưởng yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, giải pháp khả thi để giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra, từng bước phục hồi hoạt động kinh doanh du lịch, góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nguồn: Báo Quân Đội Nhân Dân