Thanh Hóa: “Đánh thức” ngành Du lịch sau “giấc ngủ đông”

Sau đại dịch Covid-19, nền kinh tế nước ta nói chung và ngành Du lịch nói riêng phải gánh chịu những hậu quả hết sức nặng nề, tưởng chừng khó có thể gượng dậy. Trong bối cảnh khó khăn chồng chất, ngành Du lịch Thanh Hóa đã chủ động đưa ra hàng loạt giải pháp phù hợp để thu hút du khách đến với xứ Thanh. Đáng mừng là những cố gắng của ngành Du lịch Thanh Hóa bước đầu đã đem lại những tín hiệu tích cực.
Không ngoại lệ so với ngành Du lịch trong nước, do tác động tiêu cực của đại dịch, trong 6 tháng đầu năm 2020, tổng lượt khách đến Thanh Hóa chỉ đạt 2.631.000 lượt người, giảm 59% cùng kỳ năm 2019; tổng doanh thu du lịch ước đạt 3.669 tỷ đồng, giảm 52,9% cùng kỳ 2019… Kéo theo đó, các hoạt động kinh doanh của cơ sở lưu trú, vận chuyển, lữ hành, dịch vụ ăn uống… đều lâm cảnh chợ chiều với công suất buồng, phòng giảm tới hơn 75%, ăn uống giảm 80%, vận chuyển giảm 78%… gần 1.000 đoàn khách đã hủy tour với các đơn vị lữ hành.
 
Bãi biển Sầm Sơn là một trong những điểm hút khách du lịch đến với xứ Thanh
 
Trước thực trạng trên, trong khi dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn cầu, xác định trong thời điểm này, khách quốc tế sẽ ít có điều kiện đi du lịch như trước đây, nên phải hướng đến du lịch trong nước. Để cùng với ngành Du lịch vượt qua khó khăn, thực hiện kế hoạch 131/KH-UBND ngày 12/6/2020 của UBND tỉnh về việc triển khai Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” tại địa bàn trong tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa phối hợp với các đơn vị, địa phương đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp kích cầu du lịch nội địa.
 
Thanh Hóa chú trọng đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất và nâng cao chất lượn dịch vụ tại các cơ sở lưu trú nhằm thu hút du lịch

Trước hết, với quan điểm “du lịch không quên chống dịch”, Sở đã tập trung quán triệt, hướng dẫn các cơ sở lưu trú, phương tiện vận tải chở khách du lịch, các khu vui chơi giải trí, nhà hàng… thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch. Đồng thời hướng dẫn, định hướng cho các doanh nghiệp làm du lịch trong tỉnh tổ chức kiện toàn, sắp xếp nhân sự; tập trung đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực tại chỗ, lên kế hoạch nghiên cứu, khai thác mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, làm mới sản phẩm, tái cơ cấu và nâng cao chất lượng dịch vụ.
 
Xứ Thanh có lợi thế là những đường bờ biển trải dài
 
Cùng với các giải pháp dành cho doanh nghiệp, Sở cũng đã phối hợp với các đơn vị, địa phương trong tỉnh tập trung chỉ đạo việc đầu tư, làm mới, hoàn thiện các điểm đến du lịch, chuẩn bị thật tốt các điều kiện đón, phục vụ du khách. Đặc biệt, Sở đã vận động, hướng dẫn các doanh nghiệp chung tay hưởng ứng, phối hợp xây dựng các chiến lược kích cầu du lịch theo phương châm “Tăng tối đa chất lượng sản phẩm du lịch, giảm tối đa giá thành sản phẩm”, cùng với đảm bảo tiêu chí an toàn, hấp dẫn đối với du khách.
 
Trong thời gian tháng 5 - 6, cùng với các địa phương, doanh nghiệp, sở đã tổ chức đón nhiều đoàn doanh nghiệp du lịch từ các địa phương trong cả nước đến khảo sát, kết nối, xây dựng tour du lịch mới.

Về công tác tuyên truyền, các cơ quan báo chí, truyền thông của tỉnh, các báo Trung ương đóng trên địa bàn đã tăng cường tin, bài, thời lượng phát sóng… quảng bá, xây dựng hình ảnh, slogan mới với nội dung “Thanh Hóa – Điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn”.
 
Hiện Thanh Hoá đang tập trung, nỗ lực quảng bá xúc tiến, phát triển du lịch

Bên cạnh các giải pháp đã nêu, để tăng cường quảng bá, thu hút du khách, tạo “điểm nhấn” du lịch sau dịch Covid–19, Sở đã phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan tổ chức hàng loạt sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch như công bố tour du lịch mới “Về miền di sản Thanh Hóa – Ninh Bình”; lễ hội Carnival đường phố Sầm Sơn; đêm lễ hội, pháo hoa; lễ hội Bánh chưng, bánh giầy; Festival Yoga toàn quốc… Những sự kiện trên như làn gió mát xua tan không khí oi nóng mùa hè, đã đem lại hiệu quả tích cực trong việc “kéo” du khách về với xứ Thanh.

Nguồn: Báo Xây Dựng