Du lịch nội địa "ấm" lên

Một tín hiệu lạc quan đối với du lịch Việt Nam, khi khảo sát của trang web du lịch nổi tiếng Booking.com cho thấy, 96% tổng quãng đường du lịch của người Việt trong giai đoạn từ ngày 1/6 - 31/8/2020 dành cho hoạt động du lịch trong nước. Cùng kỳ năm ngoái, con số này chỉ là 52%.

Điều đáng chú ý, dù quãng đường du lịch trung bình của người Việt Nam trong thời gian này đã giảm 33%, nhưng mức giảm này vẫn thấp hơn đáng kể so với mức trung bình quốc tế là 63%. Ngoài ra, Booking.com còn cho rằng, trong khi đại dịch toàn cầu khiến những kế hoạch du lịch quốc tế bị hoãn lại, việc sớm nới lỏng giãn cách xã hội trong nước đã cho phép du khách Việt nhanh chóng đặt ngay những chuyến nghỉ mát trong nước và khám phá vẻ đẹp của chính đất nước mình.

Du lịch nội địa
Du lịch nội địa đang dần khởi sắc
 
Đặc biệt, trên hành trình khám phá chính quê hương, nhiều du khách có xu hướng tìm kiếm những nơi ít người và hiếm khi ghé thăm trước đây, là các bãi biển và vùng địa phương dọc theo đường bờ biển dài hơn 3.000 km đất nước. Tuy nhiên, do du lịch nước ngoài chưa trở lại, nên không chỉ điểm đến mới hấp dẫn người dân mà ngay cả các thành phố lớn, điểm du lịch nổi bật như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Vũng Tàu, Đà Nẵng, Đà Lạt luôn đứng đầu trong bảng xếp hạng những điểm đến được đặt qua Booking.com nhiều nhất trong khoảng thời gian từ tháng 6 - 8 vừa qua.

Khá trùng hợp với khảo sát Booking.com, kết quả từ cuộc Khảo sát tâm lý và hành vi khách du lịch thời Covid-19 của Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) cũng cho biết, có khoảng 50% trong số hơn 1.000 người sẵn sàng đi du lịch, trong đó nhu cầu du lịch biển của người dân vẫn ở mức cao (62%), với nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng núi 37%, khám phá thiên nhiên 48%. Và do tâm lý còn e ngại dịch bệnh nên có tới gần 80% số người tham gia khảo sát vẫn lựa chọn đi theo gia đình, bạn bè.


Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Vũng Tàu, Đà Nẵng và Đà Lạt là một trong những điểm đến thu hút nhiều khách du lịch nội địa nhất
 
Ngoài ưu tiên an toàn (31%) và an ninh (26%) như trước đây thì lần này yếu tố khả năng tài chính (33%) có tác động lớn đến kế hoạch đi du lịch của người dân. Phần lớn người trả lời (87%) lựa chọn ưu đãi trực tiếp giá dịch vụ du lịch vào giá tour. Đặc biệt, thói quen mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng cũng đang gia tăng. TAB cho hay, hiện xu hướng khách tự đặt tour trực tiếp tăng cao và giữ thói quen đặt dịch vụ du lịch qua nền tảng trực tuyến. Ông Hoàng Nhân Chính – Trưởng Ban thư ký TAB – chia sẻ, điều này cho thấy thực tế là các doanh nghiệp du lịch và doanh nghiệp hàng không cần liên kết để tạo ra các gói du lịch giá rẻ hơn, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng. Đồng thời, để đáp ứng nhu cầu khách hàng, bản thân doanh nghiệp phải tự chuyển đổi hình thức tiếp thị, tư vấn, bán hàng và chăm sóc khách hàng qua nền tảng trực tuyến, kỹ thuật số.


Ngoài ưu tiên an toàn và an ninh thì yếu tố tài chính có tác động lớn đến kế hoạch đi du lịch của người dân
 
Theo ông Chính, kết quả khảo sát của TAB sẽ giúp cho cơ quan quản lý về du lịch, các địa phương và doanh nghiệp hiểu rõ hơn tâm lý du khách. Qua đó góp phần xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp, đồng thời tiến hành các chiến dịch kích cầu du lịch nội địa hiệu quả hơn. TAB sẽ dựa trên kết quả phân tích khảo sát này để đưa ra những ý kiến tư vấn cho Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các địa phương tổ chức lại công tác quản lý điểm đến, nhằm đem lại sự hài lòng tối đa cho khách du lịch...
 
Nguồn: Hoa Quỳnh / Báo Công Thương