Cung đường biển huyển thoại

Tôi và hai bạn đồng nghiệp của mình được sếp cử đi giao lưu, học hỏi trong một chuyến Famtrip đi vào miền Trung với mục đích kết nối các doanh nghiệp lữ hành với nhau trong thời kì hậu Covid - 19. Đây không phải là lần đầu tiên tôi đặt chân đến dải đất miền Trung của tổ quốc nhưng lại là lần đầu tiên tôi đến với Lý Sơn – vùng đất gắn liền với chủ quyền biển đảo của Việt Nam đồng thời sở hữu nét đẹp hoang sơ chưa được khai phá.

Hành trình bắt đầu từ lúc 5 giờ sáng, tôi và hai bạn đồng nghiệp của mình cùng tham gia vào đoàn Famtrip Cung đường biển huyền thoại do câu lạc bộ Cap Tour tổ chức với một tâm trạng đầy hào hứng, mong chờ về chuyến hành trình tới một vùng đất nơi mình chưa từng được khám phá.
 
Biển Lý Sơn với màu xanh trong vắt

Chuyến bay chở đoàn chúng tôi đáp xuống cảng hàng không Chu Lai, sau đó đoàn lại tiếp tục di chuyển đến bến tàu Sa Kỳ để lên tàu cao tốc đi Lý Sơn. Đảo Lý Sơn đón những vị du khách đang say sóng đến ngây ngất bằng những ánh nắng vàng chói chang, bầu trời xanh thẳm rộng lớn chẳng có một gợn mây và mặt biển như một tấm gương khổng lồ màu bích ngọc trải rộng đến hết đường chân trời. Những làn gió biển thổi tung dường như còn mang theo vị mặn của muối, trong phút chốc khiến tôi quên mất cơn cồn cào khó chịu trong dạ dày.
 
Lý Sơn - Hòn ngọc của Biển Đông

Sau khi cả đoàn dùng cơm trưa, chúng tôi lại lên xe tiếp tục chuyến hành trình khám phá Lý Sơn – Viên ngọc giữa biển xanh. Có một hình ảnh khiến tôi cảm thấy khá kì lạ khi đi quanh đảo Lý Sơn là những cánh đồng với đầy cát bao phủ bên trên, một giống cây gì đó hơi thấp như cây hành được trồng xen kẽ giữa những hạt cát trắng mịn, trông chúng thật nổi bật với màu sắc trắng xanh đối lập. Tôi và những đồng nghiệp của mình đều tự hỏi giống cây gì lại được trồng trên cát mà không phải trên đất như vậy? Tôi cứ giữ câu hỏi đó ở trong lòng mãi, cho đến buổi tối hôm đó khi có cơ hội được gặp gỡ giao lưu với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ở trên đảo Lý Sơn. Ngồi cùng bàn với tôi là một anh giám đốc tuổi đời vẫn còn khá trẻ nhưng đã bị nắng gió của biển làm xạm đi màu da. Anh giới thiệu với chúng tôi anh là giám đốc của một cơ sở sản xuất tỏi đen nổi tiếng ở Lý Sơn, lúc ấy tôi mới biết thì ra những cánh đồng ngập cát trắng mà mình thấy buổi sáng là những cánh đồng trồng đầy tỏi. Anh nói với chúng tôi tỏi ở Lý Sơn đặc biệt hơn những nơi khác bởi vì cây tỏi ở đây phải chịu những điều kiện vô cùng khắc nghiệt. Mỗi năm người dân Lý Sơn chỉ thu hoạch được một mùa tỏi vào tháng 10, đó là thời gian biển động cũng như có nhiều bão trong năm. Ngoài ra bởi vì điều kiện nước ngọt trên đảo khan hiếm, nước được dùng để tưới cho tỏi chỉ là loại nước lợ, phủ thêm cát san hô chứa nhiều tinh chất quý phủ trên bề mặt. Tất cả những điều khiện khắc nghiệt ấy buộc cây tỏi phải tiết ra những tinh chất tốt nhất, tạo nên một thương hiệu tỏi riêng biệt không đâu có được trừ Lý Sơn.
 
Đảo Lý Sơn - Vẻ đẹp đầy hoang dã
 
Trở lại với chuyến hành trình, đoàn chúng tôi tiếp tục di chuyển đến thăm các thắng cảnh nổi tiếng ở trên đảo như chùa Hang, hang Câu và cột cờ Tổ Quốc. Sau khi lắng nghe những câu chuyện, sự tích đằng sau những thắng cảnh ấy, chúng tôi lại tiếp tục lên Cano để đi về đảo Bé – nơi được mệnh danh là hòn ngọc của Lý Sơn. Cano lướt nhanh trên những con sóng, từng làn gió biển mang theo hơi nước mặn chát nhanh chóng xua tan cái nắng nóng của miền Trung vào tháng sáu, chúng tôi đặt chân lên đảo Bé sau hơn 10 phút di chuyển. Những người dân của đảo Bé với những chiếc xe máy đã chờ sẵn cả đoàn ở bên tàu, tôi cảm thấy nụ cười của họ còn tươi và chói mắt hơn cả ánh nắng của ngày hôm ấy nữa. Chúng tôi được họ chở bằng xe máy đến bãi biển của đảo Bé cách đó hơn 500m, ở nơi này mọi người được thỏa sức tự do vẫy vùng với các hoạt động giải trí như tắm biển, chèo thuyền thúng và lặn ngắm san hô với chi phí siêu rẻ. Thành thật mà nói, là một đứa không giỏi mặc cả, tôi đã bị những người bán dịch vụ ở các điểm tham quan “chặt chém” không biết bao nhiều lần, cho nên khi tới đây tôi cũng đã chuẩn bị sẵn một số tiền trong túi đồng thời chuẩn bị tinh thần tháng sau ăn mỳ tôm trừ bữa. Ấy vậy mà mọi chuyện chẳng như tôi nghĩ, dù Lý Sơn là hòn đảo cách đất liền hơn 15 hải lý, đến nước ngọt cũng phải mua với giá hơn 20,000 đ một xô để phục vụ du khách, nhưng giá cả của các dịch vụ ở đây lại vô cùng vừa túi tiền. Thậm chí tôi còn mua được bao chống thấm cho điện thoại với giá rẻ hơn cả khi tôi mua ở Hà Nội. Điều ấy đã làm cho chúng tôi cảm thấy vô cùng bất ngờ.
 
Đảo Bé - Hòn ngọc của Lý Sơn

Mấy chị em chúng tôi quyết định trải nghiệm chèo thuyền thúng và đi lặn ngắm san hô. Bốn con vịt cạn mặc áo phao ì ạch leo lên chiếc thuyền thúng, thêm anh lái thuyền với nước da ngăm đen nhưng lại có nụ cười tươi rói cùng tay nghề chèo thuyền điệu nghệ, chúng tôi chậm rãi đi đến nơi lặn san hô.
Nước biển trong vắt màu xanh ngọc bích, những tia nắng chiều chiếu xuống bị khúc xạ, soi rọi từng đám san hô lúc ẩn lúc hiện bên dưới những tầng gợn sóng. Việc không biết bơi làm tôi cảm thấy sợ hãi nhưng đã đi đến đây rồi chẳng nhẽ lại không xuống, mà mực nước cũng chỉ ngập đến ngực tôi thôi. Chị đồng nghiệp đi cùng tôi đã xuống trước đang vẫy tay thúc giục, tôi đành bặp môi đánh liều leo xuống dưới sự trợ giúp của anh lái thuyền, anh dặn chúng tôi phải mang dép khi đi xuống vì san hô rất sắc, có thể sẽ cứa vào chân. Ấy thế mà chỉ vừa chạm chân xuống những mỏm đá, còn chưa kịp đứng vững thì một con sóng bỗng từ đâu ập tới khiến tôi mất thăng bằng nhào xuống biển. Thật may là tôi đã được trang bị áo phao từ trước nên chẳng phải uống ngụm nước biển nào, tôi cứ trôi nổi giữa làn nước mát lạnh theo từng nhịp sóng xô tới.
 
Cổng Tò Vò - Cánh cổng của thiên đường

Kết thúc ngày thứ nhất, chúng tôi chào đón ngày thứ hai bằng việc dậy sớm và đón ánh bình minh đầu tiên ở cổng Tò Vò. Gần 5 giờ sáng đoàn đã lên xe để di chuyển đến cổng Tò Vò – nơi có địa hình vô cùng đặc biệt được tạo thành từ sự phun trào của núi lửa cách đây hàng triệu năm. Những phiến đá với hình dáng và cấu tạp đặc biệt, nhất là vòm cổng được ví như cánh cổng thiên đường khi ánh mặt trời đầu tiên chiếu xuống. Những điều ấy làm cho cổng Tò Vò trở thành điểm check in yêu thích của các bạn trẻ khi đến với đảo Lý Sơn, trong đó có tôi. Đoàn chúng tôi mặc áo cờ đỏ sao vàng và hát Quốc ca khi mặt trời đang dần nhô lên sau đường chân trời, như một sự thể hiện tình yêu của mình dành cho đất nước và biển đảo của quê hương, cũng như khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi: quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.
 
Eo Gió - điểm check in tuyệt đẹp của các bạn trẻ

Chào tạm biệt Lý Sơn với biển xanh, mây trắng, nắng vàng, đoàn chúng tôi tiếp tục lên đường di chuyển về Quy Nhơn – Nơi thường được gọi với cái tên đầy thân mật là Xứ Nẫu. Đón chúng tôi là một anh hướng dẫn viên vô cùng nhiệt tình, anh cung cấp cho chúng tôi rất nhiều thông tin ở nơi đây: về những thắng cảnh, địa danh nổi tiếng, về con người của vùng đất Quy Nhơn dù nói chuyện cộc cằn nhưng lại thẳng thắn, chân thật, về nguồn gốc của cái tên Xứ Nẫu. Sau khi dùng cơm trưa, chúng tôi di chuyển đến Eo Gió để thưởng ngoạn vẻ đẹp tuyệt mỹ đầy hoang sơ của nơi này. Xe chúng tôi dùng để đi lên Eo Gió là loại xe 16 chỗ đặc biệt, bởi con đường lên dốc với những khúc cua gấp khúc khuỷu khiến cho xe lớn khó lòng đi được. Cũng nhờ vậy mà tôi mới có cơ hội được ngắm nhìn một phần thành phố Quy Nhơn từ trên cao và mặt biển xanh mướt kéo dài đến hết đường chân trời, rồi để mặc cho cơn gió mát lạnh thổi bung những lọn tóc của mình. Một lời đề nghị nho nhỏ cho các bạn nữ khi đến nơi đây là không nên mặc váy, đặc biệt là váy ngắn trên đầu gối bởi vì gió ở trên này thổi rất lớn.
 
Tháp đôi - Di tích của văn hóa Chăm Pa
 
Hành trình ngày thứ 3 của chúng tôi bắt đầu bằng việc đi thăm quan Tháp Đôi – Dấu tích của nền văn hóa Chăm pa cổ. Tôi say mê nghe những lời thuyết minh của anh hướng dẫn viên bản địa, người có cách nói chuyện vô cùng thu hút đồng thời cũng rất hóm hỉnh. Anh cung cấp cho chúng tôi những thông tin về kiến trúc, những nét đặc sắc trong văn hóa thờ phụng và điều đặc biệt trong chế độ mẫu hệ của người Chăm pa. Những kiến trúc cổ chính là bằng chứng rõ ràng nhất về một nền văn minh rực rỡ từng tồn tại trong dòng thời gian khắc nghiệt của lịch sử.
 
Gành đá dĩa - Tuyệt tác của thiên nhiên

Chào tạm biệt văn hóa Chăm Pa, chúng tôi tiếp tục lên đường đến với Phú Yên – mảnh đất “Hoa vàng trên cỏ xanh” tươi đẹp. Đồng hành với chúng tôi lần này là chị Hằng, nguời hiện đang làm việc trong sở du lịch Phú Yên và đã có nhiều năm kinh nghiệm trong việc hướng dẫn. Giọng nói truyền cảm của chị đưa chúng tôi đi khám phá những địa điểm độc đáo của Phú Yên như đảo Nhất Tự Sơn với con đường đi bộ nối liền giữa biển và đất liền vô cùng độc đáo, ghềnh đá dĩa – một trong bốn gành đá dĩa duy nhất trên thế giới. Tôi thích nhảy nhót giữa những phiến đá bằng phẳng và ngắm nhìn từng con sóng tung bọt trắng xóa khi đập vào thành, chúng đều là những tuyệt tác mà mẹ thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất đầy nắng gió này. Ở nơi ấy, tôi còn nghe được tiếng đàn đá lanh lảnh của các cô gái người dân tộc thiểu số lẫn trong tiếng gió chiều, như âm thanh của người xưa đồng vọng.
 
Mũi Điện - Mũi cực đông của Việt Nam

Ngày cuối cùng cũng là ngày phải dậy sớm nhất, chúng tôi đã phải tỉnh ngủ từ lúc 3 rưỡi sáng để chuẩn bị đi tới Mũi Điện – Cực Đông của tổ quốc, nơi đón ánh bình minh đầu tiên trên lãnh thổ Việt Nam. Xe dừng chân dưới chân núi, chúng tôi phải tự leo bộ lên Mũi Điện (hay còn gọi là mũi Đại Lãnh) cách đó hơn 1 km. Băng qua những bụi rậm, bước lên các bậc tam cấp, tôi tự coi đó là một bài tập thể dục buổi sáng cho những chuỗi ngày ít vận động khi ở Hà Nội. Lúc lên đến đỉnh núi và được những tia sáng đầu tiên chiếu rọi, tôi bỗng cảm thấy có một sự xúc động khó nói thành lời. Nơi tôi đang đứng là đất mẹ thân thương, tôi đang được trải nghiệm những điều mà trước đó tôi chưa từng được thử. Với tôi, ánh bình minh của Mũi Điện khác hẳn với ánh bình minh ở nơi khác.
 
Những bãi biển xinh đẹp của dải đất miền trung

Kết thúc chuyến hành trình 4 ngày 3 đêm, dù có những đêm chỉ được ngủ vài tiếng, dù những cơn say tàu khiến cho đầu óc choáng váng, cơ thể mệt mỏi nhưng sự phấn khích khi được khám phá những vùng đất mới, được đắm chìm trong vẻ đẹp hoang sơ của miền biển vẫn giúp tôi đánh bay tất cả sự mệt mỏi. Tôi hi vọng sẽ có cơ hội được quay trở lại nơi này, được đưa bạn đến những nơi mà mỗi lần nghĩ lại tôi lại thấy say đắm. Cảm ơn những người con của Lý Sơn, của Xứ Nẫu, những anh chị trong nghề và Ban tổ chức chương trình đã cho tôi cơ hội để thưởng thức vẻ đẹp của quê hương mình.
Còn điều gì tuyệt vời hơn việc Người việt đi du lịch Việt, liệu các bạn đã khám phá được hết vẻ đẹp của đất nước mình chưa, hãy đồng hành cùng tôi để đến với vùng biển đảo đầy yêu thương này nhé.

Tôi là Ngọc Hà, một cô gái làm du lịch với mong muốn được lan tỏa, chia sẻ vẻ đẹp của mọi miền trên khắp quê hương đất nước mình đến bạn bè trong nước và quốc tế. Những bài viết của tôi là sự trải nghiệm thực tế, tôi hi vọng phần nào những trải nghiệm này sẽ giúp các bạn có thêm thông tin trước mỗi chuyến đi #nguoivietdulichviet #yeudulichvietnam