UBND huyện Mường La, tỉnh Sơn La vừa phối hợp với Tổ chức Actiom Poverty Việt Nam khai trương mô hình du lịch cộng đồng tại xã Ngọc Chiến.
Ngọc Chiến là xã vùng sâu vùng xa của tỉnh Sơn La có tiềm năng du lịch đặc sắc, với các sản phẩm suối khoáng nóng, văn hóa dân tộc còn nguyên sơ, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ. Đặc biệt, nơi đây người dân lợp nhà bằng gỗ pơ mu rất hấp dẫn khách du lịch.
Du lịch cộng đồng tại Ngọc Chiến
Thực hiện Quyết định số 1443/QĐ-UBND ngày 19/6/2018 của UBND tỉnh Sơn La về việc phê duyệt và triển khai dự án “Cải thiện sinh kế bền vững thông qua phát triển du lịch cộng đồng” trên địa bàn huyện Mường La do tổ chức phi chính phủ Australia tại Việt Nam (AOP) tài trợ đã hình thành mô hình du lịch cộng đồng Ngọc Chiến. Đây là mô hình du lịch cộng đồng đầu tiên của huyện Mường La.
Đến nay, dự án đã hỗ trợ 5 hộ gia đình tại các bản Nà Tâu, Lướt (xã Ngọc Chiến) cải tạo nhà ở để triển khai mô hình du lịch cộng đồng. Các cơ sở lưu trú được xây dựng và trang trí bình dị, gần gũi với thiên nhiên, mang đậm nét đặc trưng của dân tộc Thái trắng. Các dịch vụ tắm khoáng nóng, biểu diễn văn nghệ phục vụ du khách, tham quan các điểm thắng cảnh, đi bộ dã ngoại và khám phá trải nghiệm thác nước Băng Lỏng, Pú Dảnh… ngày càng thu hút nhiều khách du lịch tới nghỉ dưỡng.
Ngoài nguồn vốn tài trợ của tổ chức phi chính phủ Australia, các tiểu dự án khác được huyện Mường La triển khai hiệu quả như: Tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm cho các hộ gia đình làm homestay; Ban Quản lý dự án, cán bộ, công chức xã và các Trưởng bản, Bí thư chi bộ được tập huấn bài bản; tập huấn nấu ăn, đón tiếp khách cho các chủ hộ, tập huấn nhóm văn nghệ… để mang lại sự hài lòng cho du khách.
Gian hàng trưng bày sản phẩm nông sản tiêu biểu của xã Ngọc Chiến.
Là 1 trong 5 hộ tham gia dự án, anh Lò Văn Quý, bản Lướt, xã Ngọc Chiến cho biết: Nhờ có dự án mà gia đình anh đã có cơ hội phát triển kinh tế và làm giàu. Gia đình được huyện, xã tập huấn hướng dẫn cách đón tiếp khách du lịch nên homestay của anh đón khách đều đặn. Hầu hết các đoàn khách du lịch đều hài lòng và khen cảnh quan trong lành, mát mẻ. Đặc biệt, các du khách rất thích và ấn tượng với nước suối khoáng, mong rằng thời gian tới lượng du khách sẽ đến trải nghiệm nhiều hơn.
Từ năm 2019 đến nay, các hộ trong dự án được tổ chức phi chính phủ Australia tài trợ đã đón trên 2.000 lượt khách lưu trú và tham quan mô hình, tắm khoáng nóng. Ban Quản lý đã tiếp cận trên 20 công ty lữ hành trên cả nước và thỏa thuận được những hợp đồng đưa đón khách với các công ty du lịch. Dự án bước đầu đã đem lại lợi ích về kinh tế cho người dân, đây là tiền đề cho việc phát triển du lịch xã Ngọc Chiến thời gian tới.
Tái hiện hoạt động xay lúa, ngô truyền thống của đồng bào dân tộc Mông, xã Ngọc Chiến.
Tuy nhiên, hiện nay số lượng khách đến với các homestay tại xã Ngọc Chiến còn chưa cao do Tỉnh lộ 109 đến xã chưa được trải nhựa, đi lại khó khăn; chưa có chương trình quảng bá rõ nét, dự án mới được triển khai, chưa được nhiều công ty lữ hành và du khách biết đến. Một số hộ dân tham gia dự án chưa chủ động và nâng cao chất lượng phục vụ…
Bà Mùa Thị Sinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La nhận định: Dù loại hình du lịch cộng đồng còn mới mẻ và chịu ảnh hưởng chung của dịch Covid-19, nhưng lượng khách du lịch đến với Ngọc Chiến vẫn khá đông, đảm bảo nguồn thu cho các hộ làm homestay. Cùng với sản phẩm của dự án là các homestay, các hoạt động khác như mô hình nuôi giun quế, nuôi gà trên nền đệm lót sinh học đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo thu nhập cho người dân.
Mô hình du lịch cộng đồng
Để dự án phát huy hiệu quả, trở thành mô hình điểm cho du lịch cộng đồng xã Ngọc Chiến, thời gian tới, lãnh đạo UBND huyện tiếp tục quan tâm, chỉ đạo và có những hướng đi cụ thể nhằm thu hút sự đầu tư tạo ra sự đa dạng, phong phú các sản phẩm du lịch cũng như khai thác hiệu quả nhất giá trị thiên nhiên, văn hóa cộng đồng để phục vụ du lịch; góp phần tạo nhiều việc làm và nguồn thu nhập bền vững cho nhân dân. Đồng thời, quảng bá cảnh quan thiên nhiên và nét đẹp văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc nơi đây đến với du khách thập phương.