Cẩm nang du lịch thành phố Hồ Chí Minh

Hồ Chí Minh ở đâu?
 
Thành phố Hồ Chí Minh (hay vẫn thường được người dân nơi đây gọi bằng cái tên thân thương Sài Gòn) nằm ở phía Nam Việt Nam, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 1.730km theo đường bộ. Phía bắc thành phố giáp tỉnh Bình Dương, phía tây bắc giáp tỉnh Tây Ninh, phía đông và đông bắc giáp tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, phía đông nam giáp biển Đông và tỉnh Tiền Giang, phía nam và tây giáp tỉnh Long An.
 
Với tổng diện tích 2.095,239km², thành phố Hồ Chí Minh là nơi sinh sống của 8.993.082 người tính đến năm 2019. Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố trực thuộc trung ương được xếp loại đô thị đặc biệt của Việt Nam, cùng với thủ đô Hà Nội. Hiện nay, đây là một trong những trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa và giáo dục quan trọng nhất của Việt Nam. Từ Hà Nội, quý khách có nhiều phương án để di chuyển đến TP.HCM bao gồm: tàu hỏa (30 tiếng), xe khách (30 – 40 tiếng), máy bay (1 tiếng rưỡi) hoặc xe máy dành cho những người ưa mạo hiểm và vững tay lái.

Thành phố Hồ Chí Minh - Hòn ngọc Viễn Đông
 
Khí hậu

Khí hậu TP.HCM phân hóa rõ rệt thành 2 mùa: Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4. Nếu đến đây vào mùa mưa, bạn nên mang theo ô (dù) hoặc áo mưa khi ra ngoài vì Sài Gòn nổi tiếng với nhiều cơn mưa bất chợt. Mưa rồi lại tạnh, tạnh rồi lại mưa. Ngoài ra, TP.HCM cũng là nơi tràn ngập nắng vàng. Ước tính, ở đây có tới 270 giờ nắng một tháng, nhiệt độ trung bình 27°C, cao nhất lên tới 40 °C nhưng không quá gay gắt như những nơi khác.

Thành phố Hồ Chí Minh ngập tràn ánh nắng

Những địa điểm du lịch không thể bỏ qua khi đến với Hồ Chí Minh

1. Dinh Độc Lập:

Dinh Độc Lập hay còn được gọi là dinh Thống Nhất, là một công trình kiến trúc gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc Việt Nam. Tọa lạc trên mảnh đất rộng 15ha tại đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước đây từng là nơi làm việc của bộ máy chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Sau giải phóng, Dinh Độc Lập được xếp vào di tích đặc biệt cấp quốc gia.

Dinh Độc Lập - công trình kiến trúc gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc Việt Nam
 
Công trình này được thiết kế theo lối kiến trúc Phương Đông nhưng cũng không kém phần hiện đại. Tham quan nơi đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng tận mắt những vật phẩm từ chế độ cũ cùng nhiều chứng tích ghi dấu thời khắc độc lập ngày 30-4-1975. Hiện nay, cứ vào dịp 30/4 hay 2/9 hàng năm, hàng ngàn người đổ về đây tham quan cũng như để tưởng nhớ những anh hùng đã ngã xuống vì nền độc lập dân tộc.

Giờ mở cửa: Sáng 7h30 – 11h00, chiều từ 13h00 – 16h00 (hàng ngày);

2. Nhà thờ Đức Bà

Nằm ngay trục đường chính trung tâm thành phố, nhà thờ Đức Bà là một trong những biểu tượng của Thành phố Sài Gòn. Công trình này được mô phỏng nhà thờ Đức Bà Paris, Pháp. Nguyên liệu xây dựng nhà thờ được nhập hoàn toàn từ Pháp. Nơi đây nổi bật với kiến trúc Châu Âu kết hợp phong cách Roman và Gothic tuyệt đẹp, cùng cặp chuông lớn nhất Việt Nam. Nhà thờ Đức Bà là tòa thánh đường đẹp nhất và quan trọng nhất của giáo phận Sài Gòn, niềm tự hào của người dân thành phố. Khu vực xung quanh nhà thờ Đức Bà có cảnh quan đẹp nhất tại Sài Gòn ngay cạnh công viên 30/04, địa điểm vui chơi giải trí về đêm nổi tiếng tại Sài Gòn.

Giờ mở cửa: Tham quan: Sáng 8h30 – 10h00, chiều 14h30 – 15h30 (Thứ 2 – Thứ 6);

Nhà thờ Đức Bà là một trong những biểu tượng của Thành phố Sài Gòn

3. Chợ Bến Thành

Mỗi khi nhắc đến thành phố Hồ Chí Minh, ta không thể không nhắc đến chợ Bến Thành khi địa danh này vốn được coi là biểu tượng của Sài Gòn suốt hàng thập kỷ qua. Chợ được khởi công xây dựng, hoàn thành từ những năm đầu của thế kỷ 20 và hoạt động liên tục từ đó cho đến nay. Ngôi chợ này tọa lạc ngay quận 1 trung tâm của thành phố, bên cạnh quảng trường Quách Thị Trang và công viên 23/9. Vị trí đắc địa như vậy chính là lý do tại sao mà khu chợ này rất nhộn nhịp, sầm uất. Bên trong chợ bày bán đủ các mặt hàng truyền thống, hiện đại có thể làm quà cho gia đình, bạn bè. Về đêm, xung quanh chợ trở nên nhộn nhịp hơn với những cửa hàg quần áo, quán ăn tấp nập khách ghé thăm. Hàng hóa ở đây rất đa dạng, chất lượng. Tuy nhiên, phần lớn khách đến đây là người nước ngoài nên giá khá cao.

Giờ mở cửa: 7h00 – 19h00 hàng ngày;


Chợ Bến Thành - biểu tượng cùng Sài Gòn trải qua những mốc lịch sử quan trọng của nước ta

4. Cần Giờ

Cách trung tâm TP.HCM khoảng 50km đi xe, Cần Giờ vừa có rừng, vừa có biển nên rất sẵn hải sản tươi sống. Ngoài ra cũng có nhiều điểm tham quan khá hấp dẫn như rừng ngập mặn Vàm Sác, Đảo Khỉ, khu du lịch và bãi biển 30 Tháng 4, Lăng Ông Thủy Tướng Nam Hải… Hàng năm vào ngày 16/8 âm lịch lễ hội Nghinh Ông tổ chức rất trọng thể tại đây với hàng trăm ghe tàu tham dự. Bạn có thể ghé thăm trạm cứu hộ động vật hoang dã trên đường đi để thăm các chú khỉ vô cùng đáng yêu. Hay ghé qua chợ Cần Giờ và chọn cho mình những món hải sản tươi ngon được chế biến nóng hổi


Bãi biển Cần Giờ đẹp thơ mộng

5. Bảo tàng chứng tích chiến tranh

Đến với bảo tàng chứng tích chiến tranh du khách sẽ cảm nhận chân thực nhất về một thời kỳ chiến tranh ác liệt, để thêm trân trọng những gì đang có ở hiện tại. Các hiện vật như máy bay, đại bác, xe tăng, máy chém và hai ngăn “chuồng cọp” được xây dựng tái hiện đúng kích thước như ở nhà tù Côn Đảo. Ngoài ra còn có phòng trưng bày về Chiến tranh biên giới Tây Nam, chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, vấn đề quần đảo Trường Sa, âm mưu của các thế lực thù địch…

Giờ mở cửa: Sáng 7h30 – 12h00, 13h30 – 17h00 (hàng ngày);


6. Địa đạo Củ Chi

Địa đạo Củ Chi cách TP.HCM 70km về phía Tây Bắc. Đây là nơi thu nhỏ trận đồ biến hóa của quân và dân Củ Chi trong cuộc kháng chiến ác liệt suốt 30 năm. Địa đạo Củ Chi khiến thế hệ ngày nay thán phục bởi công trình nằm sâu trong lòng đất, có nhiều tầng, nhiều ngõ ngách như màng nhện, có nơi ăn ở, hội họp và chiến đấu với tổng chiều dài hơn 200 km.
Địa đạo Củ Chi có hai điểm:


Địa đạo Củ Chi công trình nằm sâu trong lòng đất khiến cả thế giới phải ngả ngũ thán phục

     - Địa đạo Bến Dược: Căn cứ Khu ủy và Quân khu Sài Gòn – Gia Định được bảo tồn tại ấp Phú Hiệp, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi.
     - Địa đạo Bến Đình: căn cứ Huyện ủy huyện Củ Chi được bảo tồn tại ấp Bến Đình, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi.

Tham quan vùng đất thành đồng hay len lỏi ở các nhánh của một trong những đường hầm nhân tạo khiến thế giới ngưỡng mộ mang đến cho bạn cảm xúc đặc biệt.
 
Du khách đến tham quan địa đạo Củ Chi
 
Ăn gì ở Hồ Chí Minh?
 

Do đa phần dân cư sinh sống tại thành phố là người bản xứ và người dân từ khắp các vùng trên cả nước tụ họp lại sinh sống và làm ăn nên ẩm thực tại thành phố Hồ Chí Minh vô cùng phong phú và đa dạng cả về những món ăn đặc trưng của cư dân Nam Bộ hay những món ăn được du nhập từ khắp các nơi trên mọi miền cả nước. Trong đó có một số món ăn mà du khách đến tham quan không nên bỏ qua bao gồm:

1. Cơm tấm

Cơm tấm được coi là một trong những món ăn nổi bật mà mỗi lẫn nhắc đến sẽ khiến người nghe nhớ ngay tới TP.HCM. Sở dĩ món ăn này được đặt tên là cơm tấm là vì trước đây món ăn này được nấu từ gạo tấm (tức loại gạo nứt, vỡ, hình thức không được đẹp như những loại gạo được bày bán thông thường). Thường cơm tấm sẽ ăn cùng với sườn nướng nhưng để đáp ứng được nhu cầu khẩu vị khác nhau của khách hàng, những quán cơm cũng phục vụ các loại cơm tấm khác như cơm tấm gà quay, cơm tấm sườn bì chả… Mỗi dĩa cơm thường được phục vụ kèm chút dưa góp, một bát canh để chống ngấy và một chén nước mắm chua ngọt làm tăng thêm độ đậm đà của hương vị món ăn. Có thể nói đây là một món ăn phổ biến và được yêu thích nhất tại Sài Gòn, người dân có thể ăn món này cả ngày từ sáng đến tối.


2. Hủ tiếu Nam Vang

Hủ tiếu Nam Vang là món ăn đặc biệt được tạo nên từ sự kết hợp từ nhiều nguồn văn hóa. Nguồn gốc món ăn xuất hiện từ Campuchia nhưng lại do người Hoa chế biên nên nhiều người gọi đây là một món ăn “đa sắc tộc”. Vốn là một trong những món đặc sản nức tiếng tại Sài Gòn, hủ tiếu Nam Vang đã chiếm trọn lòng thực khách bởi sự đa dạng về nguyên liệu bao gồm thịt heo, tôm, gan, trứng cút, mực… cùng với rất nhiều các loại rau ăn kèm như rau cần, tần ô, hẹ, xà lách, giá… Có 2 cách ăn hủ tiếu là hủ tiếu khô và hủ tiếu nước tùy theo sở thích của từng người. Hủ tiếu khô được thêm chút xì dầu, tỏi phi và một bát nước dùng riêng.
 

3. Bánh tráng trộn

Sài Gòn từ lâu vốn đã nổi tiếng là một “thiên đường ăn vặt” với nhiều món ăn ngon khó quên. Tới nơi đây mà không thưởng thức món bánh tráng trộn thì quả là điều đáng tiếc. Từ vị cay nồng của ớt, vị chua của xoài thái sợi kết hợp với trứng cút, thịt bò khô… sẽ tạo nên một món ngon không thể bỏ qua mà giới trẻ Sài Gòn cực kỳ yêu thích. Đặc biệt hơn là món ăn này cực kỳ đơn giản, dễ làm và dễ tìm, du khách có thể dễ dàng tìm thấy món này tại các hàng gánh ven đường.


4. Lẩu mắm

Một trong những món ăn không thể bỏ qua khi đến với Sài Gòn phải kể đến lẩu mắm. Đây là một món ăn mang phong vị đậm chất Việt với mùi hương đặc trưng do nước dùng được chế biến từ các loại cá linh, cá sặc, cá lóc… Sau khi cá đã được nấu đến róc thịt, nước dùng sẽ được chắt lấy phần nước trong, nêm vừa miệng với các loại gia vị. Lẩu mắm thường được ăn kèm với bún tươi, các loại rau tươi như rau kèo nèo, rau muống, bông súng, bắp chuối, bạc hà, rau nhút… Nồi lẩu mắm quan trọng nhất là nước dùng, phải chế biến từ loại mắm ngon, nêm nếm khéo léo cho vừa ăn. Lẩu mắm ở Sài Gòn thường có rau muống, kèo nèo, bông súng, đậu bắp, bạc hà…


5. Lẩu cá kèo

Lẩu cá kèo là món ăn đặc trưng mang đậm hương vị sông nước miền Nam. Món lẩu từ cá kèo thường được nấu kèm với lá giang tạo nên vị chua chua, chát chát đặc biệt. Rau dùng với lẩu cá kèo gồm rau muống, rau nhút và rau đắng, giá, hoa chuối… Mang hương thơm hấp dẫn của rau và gia vị đặc trưng, nồi lẩu cá kèo có hương thơm nhẹ mà khó quên.


6. Bánh xèo nam bộ

Bánh xèo là loại bánh nổi tiếng, rất phổ biến ở Sài Gòn. Tên gọi của món ăn vốn bắt nguồn từ tiếng động khi bột bánh được đổ vào chảo đã già mỡ tạo nên tiếng “xèo” nghe vui tai. Điểm mấu chốt để làm nên một đĩa bánh xèo ngon là phần vỏ bánh cần được chiên đến độ giòn, không được mềm quá mà cũng không được để quá khô gây cứng bánh. Thường nhân bánh bao gồm tôm, thịt heo và giá đỗ ngoài ra bánh xèo còn có nhân hải sản gồm tôm và mực. Bánh xèo sau khi được bày ra sẽ được phục vụ kèm các loại rau thơm như xà lách, rau diếp cá… tất cả được quyện lại với nước mắm chua ngọt vừa miệng sẽ cho thực khách một trải nghiệm khó quên với món ăn thanh mát, ngon miệng mà không gây ngán.


7. Phá lấu

Là một món ăn đã gắn liền với người dân Sài Gòn từ rất lâu, phá lấu là món ăn vặt đậm chất Sài Thành. Ở Sài Gòn, món này có giá chỉ từ 15.000 – 30.000, với nhiều loại khác nhau như phá lấu bò, phá lấu gà, phá lấu heo… Khi ăn, món này thường được phục vụ kèm với bánh mỳ hoặc mỳ gói. Đây là món ăn được mọi lứa tuổi đón nhận, từ trẻ nhỏ đến người già. Thưởng thức một chén phá lấu ấm nóng, ăn kèm một ổ bánh mỳ giòn tan và cảm nhận không khí hiện đại, vội vã của Sài thành sẽ làm chuyến đi của bạn tuyệt vời hơn rất nhiều.



 
 

Các bài viết liên quan