Cẩm nang du lịch hồ Ba Bể - Bắc Kạn

1. Đôi nét về Hồ Ba Bể
 

Cách Hà Nội khoảng 240km về phía Đông Bắc, hồ Ba Bể - thuộc xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn nằm trong quần thể vườn Quốc gia Ba Bể được bao quanh bởi hai cánh cung Ngân Sơn và Bắc Sơn, là một trong 20 hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất thế giới và là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Việt Nam.
 
Người Việt Du Lịch Việt
Khung cảnh thiên nhiên quyến rũ của hồ Ba Bể

Hồ được ví như viên ngọc lục bảo ẩn mình giữa thiên nhiên núi rừng Đông Bắc, phẳng lặng như tấm gương soi khổng lồ in bóng núi đá, mây trời.
Đây là một trong những hồ kiến tạo đẹp và lớn nhất nước ta, được hình thành từ một vùng đá vôi bị sụt xuống do nước chảy ngầm đã đụng rỗng lòng khối núi. Giá trị của hồ Ba Bể không chỉ dừng lại ở giá trị du lịch mà còn là giá trị địa chất địa mạo với sự đa dạng sinh học bởi vì nơi đây là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Việt Nam. Năm 1995, Hồ Ba Bể đã được công nhận là một trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt của thế giới cần được bảo vệ. Đến cuối năm 2004, Vườn quốc gia Ba Bể được công nhận là Vườn di sản ASEAN.
 
Người Việt Du Lịch Việt
Hồ Ba Bể với làn nước xanh biếc

Mặt hồ mênh mông với diện tích 650 Ha, độ sâu trung bình khoảng 20-25m, trải dài trên hơn 8km. Người dân địa phương gọi Ba Bể là Slam Pé, nghĩa là ba hồ. Tên gọi xuất phát từ viêc hồ là nơi tụ hội của ba nhánh sông Pé Lầm, Pé Lù và Pé Lèng. Đến với Hồ Ba Bể, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên kỳ vĩ, nguyên sơ nhưng không kém phần thơ mộng ẩn sau làn mây tuyệt đẹp.

Du khách có thể thỏa mình nhìn ngắm sự chuyển mình của hồ Ba Bể chỉ trong một ngày.  Vào sáng sớm khi sương mù còn giăng giăng khắp núi rừng, hồ Ba Bể thấp thoáng như nàng tiên đang bay lượn với tấm váy trắng tinh khổng lồ. Khi hoàng hôn đổ bóng, hồ Ba Bể lung linh huyền ảo trong muôn vàn tia nắng rực rỡ. Ngoài việc thưởng ngoạn cảnh đẹp hồ Ba Bể, du khách còn có cơ hội được thưởng thức những món đặc sản khó tìm từ nơi khác như cá hồ, tôm cùng nhiều món ăn đặc sắc khác như gà đồi, rau rừng, thịt lợn sữa, nếp nương hay măng trúc…
2. Di chuyển đến hồ Ba Bể
Du khách có thể đến với hồ Ba Bể bằng rất nhiều các loại phương tiện khác nhau. Cách Hà Nội khoảng 240 km, du khách có thể sử dụng xe khách đi từ bến xe ở Hà Nội để đi lên thành phố Bắc Kạn và bắt xe đi tới hồ Ba Bể. Với những bạn trẻ yêu thích phượt bằng xe máy, các cung đường lên hồ Ba Bể chính là một trong những con đường thích hợp nhất cho các phượt thủ trải nghiệm và chinh phục, lại có thể ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên vô cùng đẹp đẽ, hoang dã. Nếu du khách đi cùng gia đình, hãy lựa chọn những chiếc xe du lịch hoặc xe ô tô cá nhân để có thể đem lại sự thoải mái trong quá trình du lịch của cả gia đình bạn
 
Người Việt Du Lịch Việt
Những khung cảnh lãng mạn bên hồ Ba Bể
 
3. Khám phá các điểm đến thu hút của Ba Bể
 Vườn Quốc gia Ba Bể không chỉ là một danh thắng nổi tiếng của thế giới, là khu Ramsar ngập nước trên núi đá vôi, khu bảo tồn sinh quyển lớn đa dạng các loại động thực vật mà nơi đây còn được biết đến với hệ thống hang động kì vĩ đã và đang trong quá trình kiến tạo bao gồm hệ thống hang khô, hệ thống hang nước và hệ thống sông ngầm.
Đảo Bà Góa
Đảo Bà Góa là một hòn đảo nhỏ xinh nằm ngay giữa lòng hồ Ba Bể. Đảo do những phiến đá có kích thước to nhỏ khác nhau xếp chồng lên tạo thành. Quanh năm ở nơi đây luôn có cây cối mọc xanh tươi tốt. Nhìn từ xa, đảo Bà Góa giống như một viên ngọc lục bảo lấp lánh, là món bảo vật được thiên nhiên ban cho hồ Ba Bể.
 
Người Việt Du Lịch Việt
Đảo Bà Góa trong những câu chuyện cổ tích về lòng thương người

Để khám phá Đảo Bà Góa, bạn có thể thuê thuyền máy tham quan các tuyến du lịch trên hồ Ba Bể, thuyền sẽ dừng lại trên Đảo Bà Góa để bạn có thể tham quan đảo cũng như bơi lội trên hồ gần đó vì phần nước quanh đảo rất trong và mát
 
Động Puông
Là một tuyệt tác thiên nhiên nằm ở phía Bắc vườn Quốc gia Ba Bể, thuộc quần thể dãy đá vôi Lũng Nham - động Puông là một thắng cảnh được tôn tạo tự nhiên, có dòng sông Năng chảy qua từ phía Đông Bắc ra phía Tây Nam.
Là một hang động thông hai đầu, động Puông có chiều dài khoảng 300m, chiều cao hơn 30m với các vách đá đứng và nhiều nhũ đá có nhiều hình dạng, màu sắc khác nhau, được hình thành khi con sông Năng chảy xuyên qua chân núi đá vôi Lũng Nham tạo nên một cảnh quan đá vôi vô cùng ngoạn mục. Hai bên cửa động vút đứng và khá phẳng như được đẽo gọt kì công từ hàng triệu năm về trước. Do có nhiều ánh sáng mà từ phía bên ngoài động đã lộ hiện những mảng đá hoa cương từng bị che lấp bởi những thảm rêu xanh theo thời gian. Bên trong động, những dải thạch nhủ hình thù kỳ lạ rủ xuống soi bóng lung linh trên dòng nước.
 
Người Việt Du Lịch Việt
Động Puông
 
Đây là nơi trú ngụ của 23 loài dơi khác nhau với số lượng lên đến hàng vạn con. Nhiệt độ trung bình ở trong động giao động trong khoảng từ 18 – 20 độ C. Bởi vậy dù là mùa hè hay mùa đông thì du khách đến nơi đây vẫn luôn cảm thấy rất dễ chịu với nền nhiệt ít biến đổi của động. Du khách đến với Động Puông sẽ được chiêm ngưỡng những cảnh quan vô cùng kỳ thú, sinh động, kết hợp với các yêú tố tinh hoa của sông núi, non nước Việt Nam.
Thác Đầu Đẳng
Cách động Puông khoảng 4km xuôi theo dòng sông Năng. Đến bản người Tày Hua Tạng gần tỉnh Tuyên Quang, mà theo tiếng Kinh gọi là Đầu Đẳng du khách men theo lối nhỏ bên tay trái sẽ đến được với thác Đầu Đẳng, một trong những thác nước lớn nhất nằm trong quần thể vườn Quốc gia Ba Bể.
 
Người Việt Du Lịch Việt
Thác Đầu Đẳng reo vui giữa núi rừng

Thác Ðầu Ðẳng nằm giữa hai dãy núi đá vôi, có độ dốc lớn, là nơi con sông Năng bị chặn lại bởi những tảng đá lớn, nhỏ xếp chồng lên nhau với độ dốc ước tính là 500m, tạo thành một thác nước ngoạn mục kỳ vĩ, hoà với phong cảnh rừng nguyên sinh tạo ra một ấn tượng khó quên. Thác Đầu Đẳng có tổng chiều cao khoảng 53m, đổ xuống từ núi bằng toàn bộ nước sông Năng len lỏi giữa những khối đá vôi lớn nằm chồng lên nhau và chia làm 3 đoạn: đoạn thứ nhất nước từ trên cao xối mạnh và khúc khuỷu; đoạn thứ hai, nước rẽ thành hai dòng; đến đoạn thứ ba, thác lại chảy lững lờ giữa những tảng đá, êm đềm và thơ mộng.
Động Hua Mạ (Lèo Pèn)
Nằm ở phía Nam hồ Ba Bể, bên dòng sông Lèng tĩnh mịch, động Hua Mạ nằm trên lưng chừng ngọn núi Cô Đơn thuộc khu Lèo Pèn (Rừng ma) quanh năm cây cối xanh rì, rậm rạp. Với độ cao 350m so với mặt nước biển, từ chân núi Cô Đơn du khách có thể men theo các bậc cầu thang dọc sườn núi dốc thoai thoải là tới cửa động.
 
Người Việt Du Lịch Việt
Động Hua Mạ

Động Hua Mạ có chiều dài tới hơn 700m, trần động có chỗ rộng và cao tới 40 – 50m, chứa đựng nhiều vách, nhũ đá lung linh kỳ vĩ. Bước chân vào động, không gian thoáng đãng do lòng hang rộng và thông nhau tạo cho du khách cảm giác mát mẻ, dễ chịu. Trong động có rất nhiều nhũ đá đẹp với hình thù độc đáo như: Tượng Phật bà Quan Âm trên tòa sen, hình ảnh thầy trò Đường Tăng đi lấy Kinh, khu ruộng bậc thang, rèm đá, cổng đá... Vẻ đẹp của động được khám phá vào năm 2004, từ đó đến nay, động Hua Mạ không ngừng được đầu tư và lưu giữ, cho đến nay Động Hua Mạ thực sự là một trong những hang động tự nhiên còn nguyên vẹn vẻ tự nhiên và hoang sơ nhất Bắc Kạn.

Hang Thẩm Phầy
Nằm không xa tính từ chân núi Cô Đơn, hang Thẳm Phầy được ví như hang Sơn Đòong của miền Bắc. Đây là một hang nước độc đáo với chiều dài từ 3 – 6km và chiều cao có thể lên tới 40m. Đây là một hang động nguyên sơ còn chưa được nhiều người biết đến với cậu tạo địa chất vô cùng độc đáo với nhiều măng đá và nhũ đá và những cột đá khổng lồ, với hình dạng và màu sắc khó tin.
Trong hang cũng có tập hợp nhiều loại động thực vật cùng sinh sống như dơi, các loại côn trùng và các loại địa y. Lối vào hang nằm khuất sau những tán lá cây rậm rạp, khó nhìn thấy. Để đi đến cửa hang, du khách sẽ phải đi bộ, leo núi, vượt suối. Đường vào núi chỉ có duy nhất một đường mòn, khá hiểm trở, phải băng qua các nương ruộng của dân, qua các khe suối, cầu tre, lối đi cây cối rậm rạp. Theo người dân thì Thẳm Phầy theo tiếng Tày có nghĩa là hang Lửa, đã được người dân địa phương phát hiện nhiều năm nay nhưng gần đây mới được khám phá.
 
Người Việt Du Lịch Việt
Hang Thẩm Phầy

Theo nhận định sơ bộ, hang Thẳm Phầy hình thành do ảnh hưởng của núi lửa phun trào, và sự kiến tạo của núi đá vôi được dòng sông ngầm chảy qua gây ra sự bào mòn của địa chất, kết hợp với những giọt nước có khoáng chất của đá vôi nhỏ giọt sau hàng triệu năm tạo cho hang động những nhũ đá và măng đá trải dài.
Khắp trên trần hang và cạnh hang là vô số nhũ đã hình dạng tuyệt đẹp, hai bên lối vào hang cũng có những bờ đá với hình thù đẹp mắt. Đi sâu vào lòng hang, nhiều đàn dơi bám đen trên nóc vòm. Những hình ảnh này không khác gì đã thấy ở Sơn Đoòng.
4. Các cơ sở lưu trú gần ven hồ Ba Bể

Mr Linh’s Lakeside Lode
Mr Linh's Lakeside Lodge - Biệt thự ven hồ Ba Bể” là một khu nghỉ boutique được thiết kế theo phong cách “homestay” mộc mạc, nằm sâu trong khu vực rừng núi nguyên sơ của Vườn Quốc gia Ba Bể, kết nối với bản Cốc Tộc qua hồ Ba Bể. Điểm nổi bật của khu nghỉ bao gồm sự gắn kết văn hóa với 5 bản dân tộc thiểu số khác nhau và thưởng thức ẩm thực đặc sắc địa phương chế biến bởi những người dân tộc Tày với các món ăn truyền thống đặc trưng vùng hồ Ba Bể.
 
Người Việt Du Lịch Việt
Một góc của Mr Linh's Lakeside Lodge

Nằm ở bờ tây nam của hồ Ba Bể, đi qua con đường nhỏ uốn lượn giữa những cánh đồng lúa nước với đàn trâu đang tắm mình trong bùn, Mr Linh’s Lakeside Lodge nổi tiếng nhất ở Bắc Kạn với lối kiến trúc nhà sàn độc đáo của người Tày, đồng thời nơi đây cũng rất gần các điểm du lịch của Ba Bể.
 
Người Việt Du Lịch Việt
Phần ban công rộng thoáng với view nhìn thẳng ra hồ Ba Bể

Homestay  thích hợp với những du khách yêu nét đẹp truyền thống của các dân tộc thiểu số và thích đắm mình giữa thiên nhiên hoang dã nhưng vẫn muốn ở trong một không gian riêng tư, sang tọng. Khi đến đây, du khách có thể hiểu hơn về cuộc sống của người dân tộc Tày cũng như những nét đẹp trong bản sắc văn hóa của họ mà vẫn có được những sự tiện nghi, hiện đại được kết hợp, lồng ghép một cách khéo léo.
Hải Đăng Lodge
Hải Đăng Lodge nằm ở bản Bó Lù, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể. Bó Lù là một trong những bản nằm sát ven hồ Ba Bể đòng thời cũng là điểm đặt chân ưa thích của du khách khi đến với Ba Bể.

Ở nơi đây, du khách có thể tận hưởng những dịch vụ đầy đủ nhất với các căn phòng khép kín, đặc biệt là người chủ nhà vô cùng thân thiện và hiếu khách. Ngôi nhà là sự kết hợp giữa kiến trúc của Việt Nam và kiến trúc nhà sàn độc đáo của người Tày với ban công vô cùng rộng rãi để du khách có thể thoải mái hóng mát cũng như ngắm nhìn quang cảnh ven hồ Ba Bể.
5. Lễ hội Lồng Tồng ở Ba Bể
Lễ hội Lồng tồng cũng thường gọi là Hội xuống đồng, là một lễ hội của người đồng bào dân tộc Tày, cũng là nét quy tụ những sắc thái văn hóa đặc trưng nhất của các dân tộc như: Nùng, Dao, Sán Chỉ.... Được xem là hoạt động tín ngưỡng cầu trời cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, đời sống ấm no. Nơi tổ chức tại những ruộng tốt nhất, to nhất. Vẫn chưa có tài liệu nào nghiên cứu, khẳng định lễ hội này có từ bao giờ. Nhưng chắc chắn rằng, khởi nguồn của lễ hội phải được sinh ra từ xã hội của người Tày khi đã sống thành làng bản quần cư trong cộng đồng.
 
Người việt du lịch việt
Hoạt động chọi trâu thường được tổ chức trong lễ hội
 
Thời gian tổ chức
Tùy theo tưng nơi, ấn định cho phù hợp với địa hình. Các địa phương gần nhau thì có thể thỏa thuận chọn ngày khác nhau để có điều kiện giao lưu, trao đổi. Đối với người Tày Ba Bể lễ hội Lồng Tồng được tổ chức trong 3 ngày, từ ngày mồng 9 đến hết ngày 11 tháng giêng hàng năm.
 
Người Việt Du Lịch Việt
Lễ hội được tổ chức hàng năm
 
Tổ chức lễ hội
Trước ngày hội, các gia đình đều quét dọn nhà cửa, xóm bản sạch sẽ, chuẩn bị lương thực để đón khách. Vào ngày lễ xuống đồng, ngoài đồng của Bản, mỗi gia đình chuẩn bị một mâm cỗ theo khả năng. Mang hàm ý phô bày sự khéo léo của người phụ nữ trong việc nội trợ, nấu nướng các món ăn truyền thống như bánh chưng, bánh dày, chè lam, bánh bỏng... Trên mỗi mâm đều có một chiếc bánh hình bông hoa nhiều màu sắc. Mỗi mâm cỗ còn có thêm hai đôi quả còn được làm bằng vải màu, trong nhồi cát, bông, có tua rua nhiều màu sắc sặc sỡ. Lễ khấn cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt được thực hiện do các thầy tào tiến hành.
 
Lễ hội lồng tồng
Lễ hội Lồng Tồng
 
Trong hoạt động lễ hội
Ðể chuẩn bị cho hội tung còn, ở giữa đám ruộng lớn được chọn làm địa điểm lễ hội, người ta dựng một cây mai cao từ 20–30 cm làm cột. Trên đỉnh cột có uốn vòng tròn đường kính 50 – 60 cm dán giấy hai bên, đề chữ Nhật- Nguyệt tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời. Tung còn đòi hỏi cả sức khỏe và sự khéo léo.
Nếu ở lễ hội nào không có ai tung còn trúng vòng tròn thì dân bản không vui, vì theo quan niệm của họ, phải có người tung còn trúng vòng tròn làm rách giấy thì năm đó làm ăn mới thuận lợi, mưa thuận gió hòa. Trong trò chơi này, nam nữ thanh niên còn thi tung còn cho nhau.
 
Người Việt Du Lịch Việt
Hát then là một phần văn nghệ truyền thống không thể thiếu trong lễ hội
6. Khám phá ẩm thực của Ba Bể
Cá nướng
Đây là một món ăn đặc trưng của người dân Ba Bể. Những con cá tươi ngon nhất được đánh bắt thủ công ngay tại hồ, thịt cá sau khi nướng có vị ngọt bùi, từng thớ thịt trắng và rất chắc. Quy trình chế biến món ăn này tuy không khó nhưng lại mất khá nhiều thời gian. Đầu tiên, cá tươi sau khi đánh bắt được người dân chọn lọc kỹ càng lấy những con đều nhau chỉ bé bằng ngón tay cái, mổ bỏ lấy ruột và rửa sạch. Sau đó cá được tẩm gia vị với nghệ, muối, tiêu, ớt với lượng vừa đủ để làm cứng lớp da. Tiếp đến, cá sẽ được cố định vào những chiếc nẹp tre để đem phơi khô qua 3 – 4 nắng. Khi ăn, ta chỉ việc mang nẹp cá nướng trực tiếp trên bếp than. Tuy nhiên cá nướng không nên nướng kỹ quá vì như vậy sẽ khiến vị món ăn kém ngon.

Người Việt Du Lịch Việt
Cá nướng hồ Ba Bể
 
Lạp sườn
Lạp sườn tại hồ Ba Bể đều được làm từ thịt lợn bản nên thịt thơm và rất chắc. Một điểm độc đáo của lạp sườn nơi đây là món ăn này được tẩm ướp với gừng đá, một loại gừng chỉ mọc trên đá vùng núi cao khiến cho món ăn mang một hương vị đặc trưng không thể nhầm lẫn với bất kì loại gia vị nào của miền xuôi. Lạp sườn được đem treo gác bếp để chóng khô và bảo quản được lâu. Món ăn có mùi thơm của nắng ở vùng cao, mùi của khói bếp và thoang thoảng mùi gừng, rượu, mắc mật rất đặc biệt. Vị dai của lòng cùng với vị ngọt của thịt nạc heo, vị béo của mỡ hòa quyện với nhau và thưởng thức cùng với chút rượu thì quả là vô cùng tuyệt vời.
 
Người Việt Du Lịch Việt
Lạp Sườn
 
Thịt lợn gác bếp
Ban đầu, treo thịt hun gác bếp là một phương pháp truyền thống của đồng bào dân tộc Tày để giữ thịt được lâu và có thể dùng được quanh năm do điều kiện cuộc sống trước đây còn khó khăn. Treo thịt ở gác bếp không những có thể giúp bảo quản thịt được lâu mà hương vị của thịt cũng vô cũng đậm đà, thơm ngon. Ngày nay, dù không phải tích trữ thịt treo gác bếp làm lương thực để dành như trước nhưng người Tày ở quanh hồ vẫn luôn giữ một ít thịt gác bếp trong nhà để dùng trong những dịp đón khách quý, lễ tết hay ngày quan trọng khác. Muốn làm được món ăn này, người dân cắt nhỏ những miếng thịt sườn rồi đem đi xát muối, bóp rượu, bóp nước vắt từ một loại lá rừng, ủ vài ba ngày, sau đó rửa qua nước đun sôi và treo lên gác bếp. Khói từ bếp củi hằng ngày hun lên làm thịt có màu vàng đen. Thịt treo như vậy để được cả năm mà không hỏng.

Người Việt Du Lịch Việt
Thịt lợn gác bếp
 
Bánh giầy lá ngải
Bánh giầy lá ngải hay bánh ngải là một món ăn độc đáo ở Ba Bể, bánh có màu xanh thẫm mang đậm đà hương vị núi rừng và sông nước Ba Bể, hình thù và cách làm giống với bánh dày ở dưới miền xuôi. Làm bánh ngải không khó nhưng lại đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ và khéo léo từ khâu chọn gạo, đường, rau ngải cho đến khâu đồ xôi, ra bánh. Khi xôi nếp nương đồ vừa chín phải giã ngay lúc còn nóng cùng với những nắm lá ngải đã sơ chế kỹ lưỡng để bánh mềm, mịn và dẻo. Xôi được giã nhuyễn rồi nhanh tay múc ra mâm để nặn bánh với nhân rồi gói vỏ bánh lại bọc kín lớp nhân bên trong. Phần nhân bánh được chuẩn bị kỹ càng để tạo ra hương vị thơm ngon cho chiếc bánh. Theo đó, người ta chọn đường phên có màu vàng, ngọt, không sạn, đem đun lên thành mật sau đó trộn nó với vừng đen rang chín giã nhỏ. Bánh ngải là thứ bánh rất dễ ăn, mát và không ngấy, nếu ai đã từng ăn một lần sẽ không quên mùi vị của loại bánh dân dã này. Vị hăng hăng, thơm thơm là lạ của lá ngải như dung hòa cái dẻo, cái ngọt của nếp, của đường, miếng bánh có sự tươi non của đồi nương, cái hoang dã của lá rừng như gói cả mùa xuân trong mát. Đây là một trong những món ăn được đông đảo khách du lịch tin mua làm quà sau mỗi chuyến đi tham quan đến hồ Ba Bể.
 
Người Việt Du Lịch Việt
Bánh lá ngải
 
Xôi Đăm Đeng
Cũng như các vùng mền núi phía Bắc khác, xôi nếp cũng chính là một đặc sản ở Ba Bể. Theo tiếng Tày, xôi Đăm Đeng có nghĩa là xôi đỏ đen. Tuy nhiên, món xôi này có rất nhiều màu sắc như trắng, vàng, đen, tím, xanh, đỏ. Đặc biệt hơn, gạo để đồ xôi là gạo nếp nương nên xôi ở đây rất dẻo, thơm. Ngoài ra tất cả màu sắc của xôi không phải được làm từ phẩm màu mà bằng hương sắc của cây cỏ. Người ta lấy lá của cây cẩm và vài loại lá khác đun lên, chắt nước ra, ngâm gạo nếp vào khoảng vài giờ rồi mang đồ trên chõ xôi làm bằng gỗ. Nước ngâm gạo phải nóng già thì khi chín xôi mới có độ dẻo. Hạt xôi sau khi được nấu chín có màu bóng đẹp nhưng không ướt, khi nguội hạt xôi se lại nhưng vẫn mềm, dẻo và thơm. Xôi Đăm Đeng thường được ăn với muối vừng hoặc ruốc tùy theo khẩu vị từng người. Người dân miền núi quan niệm rằng ăn xôi này sẽ mang lại nhiều may mắn và tốt lành.
Người Việt Du Lịch Việt
Xôi Đăm Đeng
 
Măng nhồi
Đây là một món ăn mang đậm hương vị của núi rừng. Măng dùng để chế biến món này là các loại măng nứa, măng vàu, măng tre hay măng trúc. Sau khi luộc chín măng được bổ ra, khía ở phía trong. Phần nhân bao gồm thịt băm nhỏ trộn đều với trứng và các loại rau thơm và gia vị khác. Cho phần nhân vào giữa miếng măng rồi cuộn lại, sau đó cho vào xoong, đổ nước xâm xấp rồi đem đi đun sôi để nhỏ lửa cho tới khi gần cạn nước. Món ngon Ba Bể này sẽ khiến cho bữa cơm thêm phần đặc sắc.
 
Người Việt Du Lịch Việt
Măng nhồi thịt
 
Mắm tép chua
Đặc sản Ba Bể - món tép chua được làm từ tép tươi và gạo nương được chế biến theo bí quyết riêng để có hương vị thơm ngon độc đáo mà không nơi nào có. Quy trình làm tép chua rất đơn giản nhưng để có được món ngon đúng điệu thì tép phải tươi, gạo phải là loại gạo nương có mùi thơm đặc trưng. Tép tươi được đánh bắt ở hồ còn nhảy tanh tách, sau khi được rửa sạch, phơi dưới nắng cho khô và xóc qua một lượt muối. Gạo nương nấu chín, sau đó để nguội và trộn đều với men lá. Muốn tép chua được ngon hơn nữa thì phải thêm các loại gai vị khác như tỏi, ớt, riềng, thịt nạc thăn thái nhỏ, trần qua nước sôi. Người Tày ở Ba Bể thường ăn tép chua cùng thịt chân giò hoặc ba chỉ luộc kèm các loại rau thơm như đinh lăng, chuối xanh, khế chua… Sau một vòng du ngoạn hồ Ba Bể, bạn có thể mua vài hũ tép chua mang về làm quà cho người thân.
 
Người Việt Du Lịch Việt