Du lịch Việt Nam cần kết hợp hình thức truyền thống và 4.0

Theo Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sản phẩm truyền thống kết hợp với 4.0 sẽ giúp du lịch nội địa phát triển mạnh mẽ sau dịch.

Tọa đàm "Du lịch Việt Nam 2021-2023 - Những cơ hội trong giai đoạn phục hồi mạnh mẽ". Toạ đàm tổ chức ngày 3/4, do Tổng cục Du lịch, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ, báo điện tử VnExpress phối hợp tổ chức, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế FLC Sầm Sơn gồm hai phiên: "Sức bật thị trường nội địa" và "Mở cửa du lịch quốc tế - Sẵn sàng nguồn lực".
 


Trong khuôn khổ tọa đàm, các diễn giả là đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và đại diện chính quyền địa phương cùng thảo luận về hướng đi cho du lịch Việt Nam trong bối cảnh khi du lịch nội địa đang chuẩn bị đón mùa cao điểm hè 2021, với những dấu hiệu tích cực. Ngoài ra là câu chuyện mở cửa thị trường du lịch quốc tế, đang đặt ra nhiều nhiệm vụ cho toàn ngành.
 
Định hướng của cơ quan quản lý nhà nước
Theo ông Nguyễn Ngọc Thiện - Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, để phục hồi du lịch nội địa, chính quyền và doanh nghiệp cần làm mới sản phẩm cũ. Báo cáo mới nhất của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) cho thấy, nếu dịch bệnh được kiểm soát và toàn thế giới nới lỏng hạn chế đi lại vào giữa năm 2021, sẽ mất 2,5 - 4 năm để du lịch quốc tế hồi phục bằng với mức của năm 2019. Vì vậy, ngành du lịch cơ cấu lại thị trường mục tiêu, chuyển hướng tập trung vào thị trường gần và thị trường nội địa. Đây cũng là kế hoạch phổ biến của nhiều quốc gia trên thế giới trong nỗ lực phục hồi ngành du lịch. Sau đó, sẽ chuẩn bị từng bước mở cửa, tiến tới phục hồi hoàn toàn du lịch quốc tế trong bối cảnh bình thường mới.

Ông Nguyễn Ngọc Thiện - Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch
Ông Nguyễn Ngọc Thiện - Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch. Ảnh: Giang Huy

Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng nên phát động cuộc thi về những sáng kiến phát triển du lịch Việt Nam trong phạm vi toàn quốc với tên gọi như: Khám phá Việt Nam hay Đất nước ta. Qua các cuộc thi sẽ tìm ra câu chuyện để phát triển du lịch bằng cách tìm hiểu về văn hóa, lịch sử Việt Nam. Cuộc thi sẽ giúp cho người dân trong nước lẫn thế giới đều biết đến và muốn đến khám phá, trải nghiệm ở từng vùng đất của Việt Nam.

Ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết giai đoạn 2015 - 2020, du lịch có sự phát triển mạnh mẽ. Khách du lịch quốc tế tăng 22,7% một năm, đứng thứ 6 trong Top 10 nước tăng trưởng khách du lịch quốc tế. Lượng khách trong nước tăng 1,5 lần. Thời gian tới, Tổng cục Du lịch mong muốn đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, địa phương, các doanh nghiệp... cùng chung tay phát triển du lịch.

Ông Đinh Ngọc Đức - Vụ trưởng Vụ thị trường du lịch, Tổng cục Du lịch Việt Nam đưa ra giải pháp dùng những chiến dịch marketing giúp du lịch được đổi mới, thu hút du khách thay vì chỉ giảm giá. Có ba yếu tố tạo nên chiến dịch marketing thành công: thông điệp, nội dung phù hợp; sự điều phối, thu hút sự tham gia của các bên như: cơ quan nhà nước, truyền thông, doanh nghiệp... để thu hút du khách; khẳng định nội dung về sự hấp dẫn.
 
Doanh nghiệp hiến kế
Là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh, doanh nghiệp tham gia toạ đàm cũng có những hiến kế phục hồi ngành du lịch. Bà Hương Trần Kiều Dung – Phó chủ tịch FLC, cho biết đối với các doanh nghiệp du lịch cần lưu tâm các yếu tố: An toàn, tiêu chuẩn dịch vụ, chi phí cần phải đặt lên hàng đầu. Doanh nghiệp cần nỗ lực tạo ra các điểm đến an toàn cho du khách, phục vụ đa dạng nhiều sản phẩm tại một điểm đến. Doanh nghiệp cũng cần đào tạo, củng cố đội ngũ nhân sự, tạo nên nhiều hạ tầng du lịch và ứng dụng khoa học công nghệ để tiếp cận dịch vụ thuận tiện hơn.

Để tối ưu chi phí, từ 2020, nhiều doanh nghiệp đã phối hợp để tạo ra gói sản phẩm liên kết hợp lý cho người tiêu dùng, ví dụ combo bay, nghỉ dưỡng và chơi goft đc nhiều khách hàng đón nhận. Hãng hàng không ở thêm nhiều đường bay ngách đến Côn Đảo, Rạch Giá, Kiên Giang hay từ Thanh Hoá đến Quy Nhơn. Theo bà Hương, năm 2021, cần phải tiếp tục kích cầu du lịch, để người dân sẵn sàng đi du lịch trong nước. Với 100 triệu dân, 30% chưa từng đi du lịch, nhu cầu và tiềm năng còn rất lớn.

Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC
Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC. Ảnh: Giang Huy

Về phía FLC, tập đoàn FLC cũng như Bamboo đã triển khai nhiều gói kích cầu, đóng góp cho địa phương để phát triển du lịch vùng như tổ chức tọa đàm kích cầu, nhạc hội... Ngoài ra, theo ông Trịnh Văn Quyết, FLC dự kiến tổ chức giải thể thao như bóng chuyền bãi biển và tiến tới triển khai tại nhiều địa phương khác như Quảng Ninh, Ninh Bình... Bamboo Airways cũng triển khai hình thức nghỉ dưỡng chơi golf, hướng tới mục tiêu người dân đến đâu cũng có thể trải nghiệm môn thể thao này, xây dựng dịch vụ phù hợp với ngân sách của người dân khi tới địa phương.

Tận dụng các sự kiện văn hoá, giải trí để kích cầu du lịch, ông Ngô Mạnh Cường – Tổng giám đốc FPT Online cho biết, FPT Online đã truyền tải nhanh và chuẩn các thông tin du lịch đến với công chúng một cách nhanh nhất để góp phần kích cầu. Doanh nghiệp cũng triển khai khảo sát online để cung cấp dữ liệu cho doanh nghiệp cũng như lãnh đạo địa phương để nắm bắt nhu cầu của khách du lịch.

Ông Ngô Mạnh Cường – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Trực tuyến FPT
Ông Ngô Mạnh Cường – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Trực tuyến FPT (FPT Online). Ảnh: Giang Huy

Đại diện FPT Online đặc biệt nhấn mạnh giải pháp về triển khai các sản phẩm du lịch mới, nổi bật là sự kiện marathon thu hút từ 5.000 – 10.000 runner. Tại mỗi giải chạy, lượng runner rất đông đảo, chưa kể người thân đi cùng đã giúp lấp đầy khách sạn, các hoạt động tour tuyến của địa phương, mang đến cho khách du lịch những trải nghiệm mới.

Đồng quan điểm với ông Ngô Mạnh Cường, ông Lê Văn Thành - Chủ tịch Tập đoàn Động Lực, Phó chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam, tiết lộ trong thời gian tới, liên đoàn sẽ kết hợp với FLC tổ chức nhiều giải đấu bóng chuyền trên biển để tạo cơ hội cho du lịch vùng biển Việt Nam.
 
Địa phương chuẩn bị đón khách mùa cao điểm
Từ góc độ chính quyền địa phương, ông Nguyễn Văn Thi - Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa khẳng định chính quyền địa phương đã có sự chuẩn bị sẵn sàng trong mùa du lịch hè sắp tới. Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo tập trung vào hai nhiệm vụ là tổ chức tốt các hoạt động du lịch thường niên và các sự kiện văn hóa - thể thao - du lịch đặc sắc. Để kích cầu du lịch, tỉnh hướng dẫn đơn vị doanh nghiệp tổ chức hoạt động kinh doanh tập trung, dành nhiều combo hấp dẫn tăng chất lượng, giảm tối đa giá thành. Để đảm bảo an toàn, cơ quan chức năng cũng như doanh nghiệp, người dân chủ động nắm bắt thông tin và chuẩn bị phương án dự phòng để chống dịch bất cứ lúc nào.

Trong khi đó, Thừa Thiên Huế ban hành nhiều chính sách kích cầu để du khách tiếp cận, giảm giá vé, dịch vụ... Bên cạnh đó, tỉnh cũng có nhiều chính sách để phục hồi và phát triển cho các doanh nghiệp phát triển du lịch. "Huế sẽ cố gắng tiếp tục trở thành điểm đến an toàn và có các sản phẩm mới hơn", ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
 
Chủ trương mở cửa du lịch quốc tế
Ở phiên thứ hai của toạ đàm, các diễn giả cùng thảo luận về chủ đề "Mở cửa du lịch quốc tế - Sẵn sàng nguồn lực". Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, cho biết ngày 23/3, Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tìm giải pháp đón khách quốc tế trong bối cảnh dịch. Bộ đã chuẩn bị phương án đón khách du lịch quốc tế, duy trình xúc tiến sản phẩm du lịch dưới hình thức trực tuyến. Để đảm bảo an toàn, nước ta dựa vào hộ chiếu vaccine, kết hợp với công tác xét nghiệm, tuân thủ nguyên tắc 5K, ứng dụng công nghệ để có nền tảng hiển thị chứng chỉ tiêm chủng, phối hợp với địa phương trong việc nghiên cứu chọn địa điểm thích hợp để đón khách quốc tế.

Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành
Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành. Ảnh: Giang Huy

Để chuẩn bị cho giai đoạn mở cửa trở lại, các doanh nghiệp cũng có các phương án chuẩn bị. Đại diện Bamboo Airways chia sẻ đã áp dụng tiêu chuẩn ngặt nghèo nhất trong quá trình vận chuyển hành khách, xem xét việc kiểm tra hộ chiếu sức khoẻ của hành khách với sự tham gia của nhiều nước.

Ông Trịnh Văn Quyết kiến nghị Cục Hàng không Việt Nam đề xuất Bộ Y tế tiêm vaccine ưu tiên cho tất cả cán bộ tại 23 cảng hàng không, từ nhân viên bảo vệ đến giám đốc, phi công, tiếp viên để đảm bảo an toàn cho du khách. Việc này giúp du khách trong nước và quốc tế an tâm hơn khi tới điểm đến, đảm bảo đúng tiêu chí "du lịch an toàn" Việt Nam đề ra trước đó.

Theo ông Lê Tuấn Linh, nhà sáng lập Phoenix Voyages, doanh nghiệp sẵn sàng đón khách quốc tế nhưng nguồn lực về tài chính là thách thức rất lớn. Vấn đề lớn nhất của du khách là cách ly sau khi nhập cảnh. Tuy lộ trình mở cửa cần triển khai từ từ nhưng Việt Nam cần có chính sách rõ ràng, du khách quốc tế có bao nhiêu ngày phải cách ly.

Ngoài những ý kiến trên, các doanh nghiệp, địa phương cũng đưa ra nhiều ý kiến về việc mở cửa cho du lịch quốc tế. Các ý kiến xoay quanh việc đảm bảo an toàn, cần tìm hiểu nhu cầu du khách để đưa ra sản phẩm phù hợp. Đại diện các doanh nghiệp du lịch cùng quan điểm sẵn sàng đón khách quốc tế tới Việt Nam.

Nguồn: vnexpress.net