Đã có người nghệ sĩ dùng nghệ thuật nhiếp ảnh, niềm đam mê của mình truyền đạt lại thực trạng báo động về rác thải nhựa tại Việt Nam.
Nỗi ám ảnh của nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng (Lekima Hùng) trong chuyến đi xuyên Việt chụp ảnh "săn rác" là một bờ biển ngập rác dài nhiều km đến mức không nhìn thấy cát. Người dân nhiều nơi có vẻ quen với việc tắm biển chung với rác. Quá sốc vì một bờ biển tìm cát lại khó hơn rác thải nhựa, Lekima Hùng quyết định dùng nghệ thuật nhiếp ảnh, niềm đam mê của mình truyền đạt lại thực trạng báo động về rác thải nhựa tại Việt Nam.
Rác thải đại dương là nỗi thảm họa trong thế kỷ này
Sau khi tìm hiểu về rác thải nhựa tại Việt Nam, Lekima Hùng quyết định thực hiện chuyến đi xuyên Việt. Anh đã dành khoảng một năm để xây dựng kế hoạch, mục tiêu thực hiện và hy vọng các bức ảnh sẽ thay đổi nhận thức cộng đồng, người dân, doanh nghiệp, các cơ quan quản lý để thay đổi nhận thức, hành vi của mình trong tương lai.
Sát thủ kinh hoàng của đại dương có phải là rác thải nhựa không, thưa anh?
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng: Đúng vậy, các vùng biển ở Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề rác thải nhựa. Việt Nam hiện là một trong bốn quốc gia gây ô nhiễm môi trường biển nhất thế giới với việc xả thải khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa ra đại dương mỗi năm. Đặc biệt, túi nilon, chai nhựa, ống hút, cốc bát nhựa... được sử dụng rất nhiều bởi đặc tính “sống lâu”, bền, nhẹ và rẻ của nó, nhưng chúng lại là những sát thủ kinh hoàng của đại dương.
Hơn 50 năm trước, kể từ khi được phát minh, nhựa đã thay đổi cuộc sống của chúng ta rất nhiều, chủ yếu là theo chiều hướng tích cực. Đây là một điều mà ít phát minh nào làm được. Nhựa giúp giảm trọng lượng của xe hơi, xe máy và máy bay, nhờ đó tiết kiệm năng lượng và hạn chế ô nhiễm môi trường. Nhựa giúp giữ cho thực phẩm tươi lâu hơn. Nhựa cứu nhiều mạng sống mỗi ngày khi chúng là túi khí, lồng ấp trẻ sinh non, mũ bảo hiểm, hay đơn giản là những vật dụng mang nước sạch đến cho người nghèo. Chúng ta có thể thấy rằng sử dụng nhựa gần như là một nhu cầu thiết yếu trong đời sống bởi thực tế nó mang đến các lợi ích chưa thể thay thế được.
Thế nhưng từ khi nào mặt tối của một thứ thần kỳ như nhựa lại xuất hiện? Phải chăng đó là khi con người phát hiện rác các mảnh vỡ của cánh máy bay trôi nổi trên đại dương và các loại rác thải nhựa vẫn còn nguyên dạng cùng màu sắc tươi mới trong khi năm sản xuất là từ cách đó hàng chục năm. Điều đó có nghĩa là gì? Câu hỏi về độ bền thực sự của nhựa là bao lâu khi ấy thực sự là một lời cảnh tỉnh với giới khoa học và con người bước vào một thời kỳ mới, thời kỳ sống chung với rác nhựa.
Ảnh hưởng của rác thải nhựa dần lộ diện rõ hơn khi việc xử lý rác thải nhựa và hệ thống tái chế đồ nhựa ở Việt Nam nói riêng hay trên thế giới nói chung đang chưa thực sự đem lại hiệu quả như mong muốn. Kết quả là mỗi năm có thêm khoảng 8 triệu tấn rác thải đổ vào đại dương.
Buồn thay, Việt Nam đứng thứ 4 thế giới trong các nước xả rác nhựa ra đại dương nhiều nhất. Vậy bạn muốn để lại gì cho các thế hệ sau? Một trái đất toàn rác thải nhựa, một đại dương toàn nhựa hay một đại dương đầy cá?
Giải pháp lâu dài cho vấn đề rác thải nhựa theo anh là gì?
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng: Chúng ta làm đủ thứ để nhựa có thể thực hiện được vai trò của nó, thế nhưng chúng ta chưa đả động mấy đến chuyện sau khi dùng xong nhựa thì sao. Giải pháp lâu dài cho vấn đề rác thải nhựa chính là thực hành Từ chối – Tiết giảm – Tái chế (3T). Tôi rất muốn chia sẻ về việc giảm sử dụng nhựa, nhất là nhựa dùng một lần trong các chuyến du lịch. Chỉ có thực hành 3T của bạn mới làm nên thay đổi.
Làm thế nào để du lịch không rác thải nhựa?
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng: Rác thải nhựa có thể từ ở những vùng rất xa biển, trôi theo các dòng sông và khi ra đến biển có thể tồn tại hàng trăm năm. 80% rác thải đại dương xuất phát từ đất liền. Do tác động của môi trường như nước biển, tia cực tím, rác nhựa sẽ phân rã thành những hạt vi nhựa và có thể bị các loài sinh vật biển ăn phải. Các sinh vật này sau đó có thể có mặt trong bữa ăn hàng ngày của chúng ta.
Bên cạnh đó, rác thải nhựa cũng đã gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với ngành du lịch. Ước tính rác thải đại dương làm thiệt hại đến 622 triệu USD/năm cho ngành du lịch của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Các cảnh quan bị phá huỷ bởi rác thải nhựa, các bãi biển xinh đẹp bị xâm lấn bởi rác. Các thành phố và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng thì tốn rất nhiều tiền của cho việc thu gom và làm sạch các địa điểm du lịch. TP. Nice của Pháp phải chi tới 2 triệu Euro/năm để làm sạch các bãi biển của thành phố.
TP. Kiên Giang với các bãi biển xinh đẹp cũng đang chịu sự xâm lấn không nhỏ của rác thải nhựa. 12 bãi rác tại Kiên Giang đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Người dân trên đảo ngọc Phú Quốc oằn mình sống chung với rác.
Thành phố năng động Đà Nẵng cũng đang đối diện với tình trạng bãi rác duy nhất đã quá tải.
Phú Yên với "hoa vàng trên cỏ xanh" đang đứng trước lựa chọn của sự phát triển bền vững cho ngành công nghiệp không khói hay sẽ đi theo vết xe đổ của những thành phố du lịch khác khi mà 90% bãi rác tại Phú Yên chưa chôn lấp hợp vệ sinh và đang báo động quá tải.
Thay đổi trong nhận thức và hành động của tất cả mọi người sẽ không diễn ra ngay lập tức, nhưng bạn có thể chọn thay đổi hành vi của mình ngay hôm nay trong chính những chuyến đi của mình.