An toàn và hấp dẫn là hai yếu tố cơ bản cần phải được bảo đảm trong chương trình kích cầu du lịch nội địa giai đoạn 2. Đây là nhấn mạnh của Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh tại cuộc họp bàn về kế hoạch triển khai chương trình cầu du lịch nội địa giai đoạn 2 diễn ra sáng 11-9
Chương trình kích cầu du lịch nội địa giai đoạn 2 dự kiến được triển khai trong bối cảnh Việt Nam đang khống chế tốt dịch Covid-19 khi đến nay, Việt Nam đã trải qua chín ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Theo Tổng Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh, các hoạt động phục vụ khách du lịch phải bảo đảm thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành y tế và theo bộ tiêu chí du lịch an toàn mà Tổng cục Du lịch đã ban hành. Đồng thời, bổ sung các giải pháp công nghệ số hữu hiệu để phòng, chống Covid-19.
Tổng cục du lịch họp bàn chương trình kích cầu du lịch giai đoạn 2 (Ảnh: TCDL)
Tổng Cục trưởng Khánh lưu ý, thời điểm này nhu cầu và hành vi tiêu dùng của du khách đã thay đổi so với trước đây nên cần tính toán kỹ về định hướng sản phẩm, vừa phải an toàn, vừa phải hấp dẫn về giá cả, loại hình, chất lượng, có độ dài chuyến đi phù hợp. Do đó, các sản phẩm đưa ra phục vụ khách phải bảo đảm chất lượng, không vì ưu đãi, giảm giá mà bỏ qua chất lượng để giữ uy tín, thương hiệu.
Tổng cục trưởng cũng đề nghị cần có cơ chế linh hoạt cho việc hoãn, hủy, đổi tour du lịch trên tinh thần chia sẻ, bảo đảm quyền lợi của các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ du lịch và khách du lịch.
Chương trình kích cầu du lịch nội địa được Bộ VHTTDL phát động từ đầu tháng 5 đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các địa phương, doanh nghiệp trong cả nước và đã đạt được hiệu quả rất tích cực. Cụ thể, trong tháng 6, lượng chuyến bay trong nước của các hãng hàng không đã hồi phục và nhiều đường bay nội địa mới được mở ra với sản lượng vượt 20% so với cùng kỳ năm 2019. Công suất phòng lưu trú đã tăng 50-60% vào ngày giữa tuần và 80-90% cuối tuần. Lượng khách nội địa tháng 6 đạt 7 triệu, lượt tăng 2,3 lần so với tháng 5.
Dịch Covid tái phát đã ảnh hưởng đến hoạt động du lịch
Tuy nhiên, dịch Covid-19 tái bùng phát từ cuối tháng 7 khiến hoạt động du lịch lại rơi vào ngừng trệ. Các doanh nghiệp du lịch vừa khởi động lại hoạt động đã lại chịu cú đánh bồi khiến sức chống chịu ngày càng giảm sút. Rất nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm nhân công, tạm ngừng hoạt động do không có doanh thu; người lao động bị mất việc làm, chuyển ngành. Nhiều ngành, lĩnh vực khác liên quan đến hoạt động du lịch cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Việc kích hoạt lại các hoạt động du lịch là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp có việc làm, vượt qua khó khăn, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch, hướng đến phục hồi, phát triển trong thời gian tới.
Nhiều địa phương tiếp tục chủ động kích cầu du lịch
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã và đang được kiểm soát tốt, từ đầu tuần này, nhiều địa phương đã cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, hoạt động lữ hành phục vụ khách trở lại, chủ động lên kế hoạch kích cầu du lịch.
Tại Đà Nẵng đã cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn được hoạt động trở lại
Tại TP Đà Nẵng, UBND TP đã cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú trên địa bàn thành phố được phép đón, phục vụ khách trở lại kể từ 0 giờ 00 phút ngày 5.9, các dịch vụ khác tại cơ sở lưu trú tiếp tục tạm dừng hoạt động.
Ngày 7-9, UBND Bình Định, Phú Yên đều ra công văn cho phép mở cửa lại các điểm tham quan, du lịch, vụ chơi giải trí.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương thực hiện giảm giá vé tham quan , du lịch nhằm kích cầu du lịch.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai ngày 30-8 cho biết khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch mở rộng tham gia vào chương trình kích cầu giảm giá dịch vụ, với khoảng giảm giá từ 5%-50%. Đây là mức giảm giá có thể chấp nhận được vì mục tiêu chung là hướng đến việc lôi kéo đông lượng khách đến thăm thú mảnh đất cao nguyên nắng gió.
Phú Yên đều ra công văn cho phép mở cửa lại các điểm tham quan, du lịch, vụ chơi giải trí
Để kích cầu du lịch, HĐND tỉnh Quảng Ninh ngày 8-9 đã quyết định giảm 50% giá vé vào điểm tham quan và tham quan lưu trú trên vịnh Hạ Long; giá vé tham quan cho khách du lịch vào các điểm Bảo tàng Quảng Ninh và Khu di tích và danh thắng Yên Tử. Thời gian áp dụng giảm giá vé vào các điểm tham quan từ ngày 9-9 đến hết 31-12-2020.
Tỉnh Lào Cai cũng quyết định miễn, giảm phí tham quan các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh từ nay đến hết năm 2020. Một số điểm tham quan có mức giảm phí sâu như tuyến Thác Bạc (Sa Pa) giảm từ 15.000 đồng xuống 5.000 đồng/lượt; Tuyến tham quan Hàm Rồng giảm từ 50.000 đồng xuống 20.000 đồng/lượt; Di tích kiến trúc nghệ thuật dinh thự Hoàng A Tưởng (thị trấn du lịch Bắc Hà) miễn phí.
Ngoài ra tỉnh Lào Cai cũng tiếp tục ưu đãi, khuyến mãi, giảm giá từ 10% – 60% các dịch vụ du lịch, lưu trú nghỉ dưỡng, ăn uống…